Mô hình nào lý tưởng cho nông nghiệp ? - Bài 2: Mô hình “Bảy Hòa”

15/12/2009 01:50 GMT+7

Đang thành công trong ngành xây dựng và kinh doanh địa ốc, ông Bảy Hòa (tên thật là Lê Hùng Mạnh), Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Gia Hòa, chuyển hướng đầu tư vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: nông nghiệp. Điều gì đã thôi thúc và cuốn hút ông vào nông nghiệp đến vậy?

Doanh nhân mê ruộng

Hai năm rồi, kể từ ngày hình thành ý tưởng xây dựng một mô hình mới cho sản xuất nông nghiệp, ông Bảy Hòa đã ăn cùng, sống cùng nông dân để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng về cái nghề mà họ đang làm. Ông muốn hiểu họ hơn. Và cũng mong được họ hiểu lại, hiểu về cái dự án ông cùng cộng sự ấp ủ, chuẩn bị triển khai. Bởi tâm điểm của dự án này, không thể ai khác, chính là người nông dân.

Ông nhận ra một điều, nông dân hiện đang không có quyền quyết định giá trị của sản phẩm. Tất cả đều phải qua trung gian. Nông dân mình khổ quá, họ sống trong những chòi canh chơ vơ trên cánh đồng. Cái nghèo, cái khó vẫn vây quanh. Cơ hội đổi đời với họ dường như quá nhỏ bé, bởi những tồn tại trong thực trạng sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Ông Bảy Hòa

Bảy Hòa đặt ra hàng loạt câu hỏi, và đi tìm câu trả lời cho chính những câu hỏi của mình. Do sản xuất nhỏ nên tiêu hao lớn, chỉ chi phí trong khâu bảo quản sau thu hoạch thôi đã chiếm đến 30 - 50% giá thành. Phải nghĩ ra một mô hình sản xuất nào đó, để tránh thiệt thòi cho nông dân!

Từ một người hầu như không biết gì về ruộng lúa, sản xuất nông nghiệp, Bảy Hòa bắt đầu nghiên cứu về nó. Dự án sản xuất theo một mô hình hoàn toàn mới dần hình thành. Ông đem ý tưởng mời nhiều người uy tín trong ngành nông nghiệp để hợp tác viết dự án và cùng triển khai dự án. Nhà đầu tư sẽ là Bảy Hòa. Cuối cùng, ông hợp tác với nhóm giáo sư, tiến sĩ của trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Cũng kể từ đó, đi đâu, ngồi với ai, câu chuyện đầu tiên của Bảy Hòa sẽ là nông nghiệp, là hạt lúa có giá thành thấp, cây ăn quả, rau sạch...  chứ không phải là dự án khu dân cư này ra sao, khu đất kia như thế nào. Nhiều doanh nhân ban đầu còn cho ông Bảy Hòa là "có vấn đề", nhưng sau đó đã bị thuyết phục, hăm hở đòi góp vốn đầu tư.

Mô hình

"Mô hình sản xuất của tôi là một công ty cổ phần. Ở đó, nông dân là những cổ đông, họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất", ông Bảy Hòa khẳng định. "Vậy vị trí của nông dân trong mô hình này là gì? Họ vẫn là nông dân, đất vẫn thuộc về họ, chỉ có khác là họ được chia cổ tức và nhận lương khi lao động", ông Hòa cho biết thêm.

Mô hình mà ông Bảy Hòa đang nghiên cứu thực hiện có những điểm quan trọng sau: Thứ nhất, khi là công ty, cơ hội để kết nối với những doanh nghiệp ngoài ngành cùng tổ chức sản xuất, chế biến nông nghiệp là rất lớn. Những vùng chuyên canh được hình thành trên một diện tích khoảng 800 - 1.000 ha, được ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. "Tôi đã làm việc với Saigon Co.op, họ thật sự muốn tham gia vào dự án này. Cụ thể, sản phẩm từ những vùng chuyên canh rau sạch sẽ được phân phối trực tiếp vào siêu thị, mà không qua trung gian". Thứ hai, ông Bảy Hòa cho rằng đây là mô hình có thể tạo ra một sự thay đổi tích cực trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện đô thị hóa nông thôn.

“Ý tưởng của anh Bảy Hòa là rất táo bạo. Nhưng hay. Người nông dân đang luẩn quẩn và họ cần có đường đi. Sớm muộn gì cũng phải sản xuất quy mô lớn. Vì vậy, việc phải tìm một mô hình sản xuất lý tưởng là cần thiết để phát triển nông nghiệp và nông thôn” - TS Nguyễn Văn Ngãi - Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM

Với quy mô khoảng 800 hộ dân, sản xuất trên một vùng chuyên canh nông nghiệp, tham vọng trong dự án của ông Bảy Hòa là sẽ phát triển thành một đô thị nông thôn với trường học, bệnh viện, chợ, nhà văn hóa, hạ tầng giao thông... Nếu được cho phép, dự án sẽ được triển khai thí điểm, sau đó mới nhân rộng.

TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm TP.HCM, người cùng tham gia dự án với ông Bảy Hòa, cho biết: "Vừa rồi, tôi đi Hàn Quốc và có dịp tham quan mô hình một công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công ty đó có ngân hàng, nhà máy, sân phơi, kho bãi... và sản xuất theo một quy trình khép kín. Nông dân trong khu vực đó hầu như 99% tham gia vào công ty. Vì nếu không vào, sản phẩm sẽ không biết bán cho ai, mua vật tư sẽ đắt hơn so với nông dân trong công ty... Lợi nhuận được chia theo cổ phần. Đây là mô hình mà chúng tôi đang theo đuổi. Nếu thí điểm thành công, sẽ dần nhân rộng ra khắp cả nước".

Đất đai vẫn thuộc về nông dân

Đặc điểm của nông dân là tính sở hữu (đất đai) và quen làm theo ý mình, nên việc thuyết phục họ bỏ vốn bằng đất đai vào để cùng sản xuất là không đơn giản. Đối với họ, mất đất là mất hết. Do đó, phải giải quyết bài toán sở hữu, để họ hiểu và tự nguyện tham gia vào, không thể áp đặt. "Điểm nổi bật của mô hình này là, đất của nông dân vẫn là của nông dân, chứ không thuộc quyền sở hữu của công ty", TS Ngãi nói. Công ty sẽ đầu tư tiền mua sắm công cụ lao động hiện đại, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng bãi, sân phơi, phụ trách vấn đề kinh doanh, hạch toán, đầu vào đầu ra cho sản phẩm, quản trị doanh nghiệp...; nông dân tham gia vào các công đoạn sản xuất. Mỗi dự án như vậy, nhà đầu tư sẽ phải chi kinh phí từ 30 - 50 triệu USD.

Cái khó thứ hai là về thủ tục, chính quyền địa phương nếu họ không chấp nhận cho làm thí điểm là coi như xong. 800 - 1.000 ha là diện tích đất canh tác của gần một xã, nên đụng chạm tới nhiều người. Nhà nước vẫn chưa có cơ chế chính sách để thực hiện mô hình kiểu này, cho nên, theo nhóm làm dự án, khoảng đầu năm 2010, nhóm sẽ đề nghị tổ chức một hội thảo quốc gia để lấy ý kiến phản biện cho dự án trước khi trình Chính phủ.

Một khi có cơ chế, khung pháp lý rõ ràng, những vướng mắc về việc nông dân có thể tự ý góp đất vào, rút đất ra; công ty phá sản; thí điểm ở địa phương... sẽ được giải quyết để quyền lợi của nhà đầu tư và nông dân được đảm bảo. Nhiều địa phương ở miền Trung và miền Bắc thường bị mất mùa do thời tiết không thuận lợi, nếu nông dân tham gia vào công ty, sẽ được bảo hiểm nông nghiệp. Lâu nay, các công ty bảo hiểm thường không mấy mặn mà với loại hình bảo hiểm này, không phải vì nó chứa đựng nhiều rủi ro, mà nông dân là những hộ đơn lẻ. Do đó, việc thực hiện bảo hiểm là không dễ dàng.

 

* Một thực trạng là nhiều hộ nông dân ở vùng nông thôn sản xuất lúa nhưng chỉ đủ ăn “giáp hạt”. Nếu tính chi phí sản xuất đủ như phân bón, thuốc trừ sâu, công cán... thì sản lượng lúa thu hoạch được đem bán đi không đủ bù đắp cho chi phí. Bán ruộng thì không có việc gì khác làm. Nhưng nếu không bán, thì quần quật suốt năm trên đồng ruộng, mà nghèo lại vẫn nghèo. Đó là chỉ nói tới cây lúa, còn bắp, đậu, mía... cũng như vậy cả thôi. Mỗi hộ nông dân chỉ có vài sào ruộng lúa, cái ăn cái mặc hay đói no đều trông chờ vào nó. Nhà nước phải có cách nào đó để nông dân thoát khỏi tình trạng này chứ? - Ông Nguyễn Văn Thanh, nông dân ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi

* Người nông dân VN khó đầu tư sản xuất quy mô lớn, vì họ không có diện tích đất lớn. Tỷ lệ hộ nông dân sản xuất quy mô lớn ở VN chỉ chừng 5%, đa phần trong số họ đã có đất từ nhiều năm trước. Trong khi, con số này ở Thái Lan là 50%. Các hộ sản xuất nhỏ ở Thái Lan không còn bao nhiêu, bởi thực tế, sản xuất nhỏ là rất khó áp dụng khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao và sản phẩm chất lượng. Mỗi hộ nông dân Thái Lan thường nuôi 20.000 – 50.000 con gà thịt; 3.000 - 10.000 con heo nái. Còn ở VN, quy mô 100 con heo nái là phổ biến; nuôi 500 con đã rất lớn - Ông Suwes Wangrungarun, Phó TGĐ Công ty chăn nuôi C.P. Việt Nam

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.