Mô hình 'hợp tác xã doanh nghiệp'

Cuối năm 2016, Chính phủ chính thức dành gói tín dụng lên tới 50.000 - 60.000 tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi. Qua năm 2017, gói tín dụng này đã tăng lên 100.000 tỉ đồng.

Cuối năm 2016, Chính phủ đã chính thức dành gói tín dụng lên tới 50.000 - 60.000 tỉ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất. Qua năm 2017, gói tín dụng này đã tăng lên 100.000 tỉ đồng.
Từ đó đến nay ngày càng có nhiều dự án trăm, ngàn tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 4.2017, số vốn đăng ký tham gia gói 100.000 tỉ đồng cho vay NNCNC với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng (NH) đã vượt con số 100.000 tỉ đồng.
Mấu chốt là an toàn
Ở VN, NNCNC theo cách diễn giải của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN), nông dân là công nghệ nhà kính, trong đó áp dụng phương pháp canh tác thủy canh/bán thủy canh, tưới nhỏ giọt, tự động hóa dây chuyền sản xuất. Đây là những công nghệ thuộc hệ thống canh tác có bảo vệ. Vì vậy nên hầu như tất cả các dự án NNCNC đăng ký ở gói 100.000 tỉ đồng của Chính phủ đều tập trung vào việc áp dụng công nghệ cao để cải tiến phương pháp nuôi/trồng làm sao cho rau, hoa, sữa có năng suất cao, sạch an toàn do các tập đoàn, công ty “đại gia” chủ xướng.
Nhưng NNCNC mà chúng ta đang áp dụng và muốn hướng tới là công nghệ sử dụng cho khu đô thị, vùng ven đô hoặc vùng cao nguyên mát mẻ, chiếm một diện tích rất nhỏ chưa đến 5% trong tổng diện tích 11 triệu ha đất nông nghiệp của VN, nên sẽ không có bao nhiêu diện tích và nông dân có cơ hội ứng dụng và hưởng lợi từ các dự án NNCNC kiểu này.
Năm 2016, VN xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 32,1 tỉ USD nhưng trong đó xuất khẩu 90% gạo, 60% thủy sản và 63% rau quả đều xuất phát từ các tỉnh ĐBSCL. Mà ĐBSCL lại là nơi nghèo hơn cả nước. Thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ khoảng 40,2 triệu đồng/người/năm so với bình quân cả nước đạt 47,9 triệu đồng/người/năm. Đáng nói, không thấy có một dự án NNCNC nào trong gói 100.000 tỉ đồng này cho ĐBSCL.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 2016 là một năm u ám đối với ngành lúa gạo VN, với xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo giảm. Một trong những lý do chủ yếu gạo VN không được ưu ái trên thị trường thế giới nữa là gạo của ta không an toàn. Đến mức vào cuối tháng 9.2016, Bộ NN-PTNT đã phải ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ do bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8.2016, đã có 412 container gạo của 16 DN xuất khẩu gạo VN bán sang thị trường này bị trả về. Nếu tính chung cả thị trường Mỹ và Bắc Âu, lượng gạo của VN bị trả về vào khoảng 500 container, tương đương khoảng 10.000 tấn.
Nhưng không phải chỉ mặt hàng gạo là có vấn đề, thủy hải sản cũng vậy. Tháng 10.2016, Liên minh châu Âu (EU) đã phát cảnh báo với 11 lô hàng thủy sản nhập khẩu từ VN có dư lượng kim loại nặng gồm thủy ngân, cadmium vượt ngưỡng cho phép. Xuất khẩu thủy sản năm 2016 của VN đạt 7,05 tỉ USD, chủ yếu xuất sang Mỹ với 1,44 tỉ USD; EU với 1,2 tỉ USD và Nhật Bản với 1,1 tỉ USD. Nhưng từ đầu năm 2017 đã có phong trào “tẩy chay” hàng thủy sản VN ở thị trường EU, lấy cớ không an toàn. Là thị trường nhập khẩu thủy hải sản lớn nhất của VN, Mỹ cũng đang đặt vấn đề an toàn vệ sinh cho mặt hàng này.
Nói như vậy để thấy, vấn đề của nông nghiệp VN rõ ràng là nằm ở khâu an toàn thực phẩm, và nông nghiệp VN đang thiếu những công nghệ làm nên sản phẩm an toàn.
Giải cứu bằng "Nông nghiệp chính xác”
Sản xuất nông nghiệp là tổng kết một chuỗi giá trị từ nông trại đến bàn ăn (giống, canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bao bì, phân phối, thị trường, người tiêu thụ), nên sản phẩm sẽ đạt an toàn khi công nghệ cao được thực thi xuyên suốt theo chuỗi giá trị. Cho nên gói 100.000 tỉ đồng này của Chính phủ tốt nhất là phải hỗ trợ cho cả một chuỗi giá trị và tổ chức liên kết DN, nông dân là những thành phần làm nên chuỗi giá trị đó, chứ không duy nhất chỉ có công nghệ cao cho khâu canh tác. Nhưng trên tất cả các công nghệ mà chúng ta nói đến, VN cần phải đầu tư và phát triển ngành “nông nghiệp chính xác” dùng vệ tinh để quan sát, theo dõi diễn tiến và đánh giá cây trồng, cung cấp cho nông dân tất cả dữ liệu kỹ thuật cần thiết: từ khâu cày bừa, lên luống, độ nghiêng rãnh tưới, độ pH và độ ẩm của đất cho đến tưới tiêu, bón phân, nhiệt độ và độ ẩm không khí, phát hiện sâu bệnh, cỏ dại, ngập úng, quyết định thời kỳ thu hoạch...
Vệ tinh là một trong những công cụ then chốt có giá trị nhất trong nông nghiệp chính xác, và chỉ có nhà nước mới đủ sức đầu tư và phát triển công nghệ này. Đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp chính xác mới giúp cho 22 triệu nông dân khai thác và quản lý tốt phần 95% diện tích canh tác đại trà còn lại.
Nông nghiệp chính xác đã giúp thửa ruộng hành tây 10 ha này ở bang New South Wales đạt chất lượng cao, an toàn, đẹp như tranh vẽ. Ảnh: N.Q.V
Đặc biệt, Chính phủ cần giúp nông dân thành lập những hợp tác xã doanh nghiệp - cooperative enterprise - trong đó nông dân góp vốn đất để làm chủ qua hình thức cổ đông (share holder). Hiệp hội Người trồng lúa bang New South Wales (NSW, Úc) là một mô hình như vậy. Đây là hợp tác xã của toàn bộ khoảng 2.000 nông dân trồng lúa ở vùng Leeton, bang NSW. Hiệp hội này thành lập Công ty Sun Rice để sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Vùng Leeton chỉ có khoảng 50.000 - 100.000 ha trồng lúa, họ trồng lúa mùa 6 tháng, mỗi năm chỉ một vụ. Vậy mà Sun Rice đã sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm gạo đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu nhập đạt hơn 1 tỉ USD (2014), nằm trong tốp 5 công ty kinh doanh lúa gạo lớn nhất thế giới.
Thành quả của người trồng lúa bang NSW có được là nhờ Công ty Sun Rice đã triển khai được một thị trường lúa gạo rộng lớn. Những thị trường này tuy có những đòi hỏi về giống và chất lượng khác nhau, nhưng tất cả đều yêu cầu sản phẩm phải an toàn, sạch.
Thỏa mãn yêu cầu của người tiêu thụ bằng cách tìm những công nghệ thích hợp - những công nghệ không cần phải cao nhưng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường - đó mới là mục đích của gói tín dụng 100.000 tỉ đồng của Chính phủ, hướng tới sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, và làm giàu cho nông dân, DN VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.