'Mở đường' cho khách đi xe công nghệ tại sân bay

24/11/2020 06:27 GMT+7

Phân làn, hướng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa đón hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...

Chiều qua 23.11, Cảng vụ hàng không miền Nam đã chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện phương án “Phân làn, hướng lưu thông dành cho người, phương tiện đưa đón hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”, đồng thời tháo gỡ khó khăn trong việc đưa/đón hành khách của các doanh nghiệp vận tải tại sân bay.

Sở GTVT TP.HCM đề nghị sân bay Tân Sơn Nhất sớm bổ sung thêm 2 thang máy

Sẽ lắp thang máy trước cao điểm Tết Nguyên đán

Chủ trì cuộc họp, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, đánh giá bước đầu, phương án phân làn mới đã đem lại hiệu quả về an ninh, trật tự phía trước ga quốc nội. Trước đây, tất cả các loại xe di chuyển vào quá nhiều, xe công nghệ thậm chí không có khách cũng đi vào, chạy lòng vòng gây ùn tắc. Với phương án phân làn mới, hành khách tới sân bay được đảm bảo thuận tiện, thông thoáng hơn nhiều và giảm tranh giành, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng xe. Bất cập là quá tải khu vực nhà để xe TCP.
Ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư TCP, cho biết phối hợp với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, phía nhà xe đã bố trí thêm nhân sự hướng dẫn, đầu tư thêm khu vực ghế ngồi nghỉ chân cho khách đón xe công nghệ.
Tuy nhiên, hiện nhà xe chỉ có 2 thang máy, mỗi thang sức chứa 22 người, tải trọng 1,6 tấn, bình thường phục vụ đủ nhu cầu sử dụng của khách tới gửi xe. Kể từ khi tiếp nhận thêm các hãng xe công nghệ, thang máy thường xuyên quá tải. Hành khách phải chờ khoảng 7 phút trong giờ cao điểm mới lên được tầng mong muốn.
“Để giảm tải, hiện TCP đã đặt hàng một hãng nước ngoài thêm 2 thang máy công suất tương tự, dự kiến sẽ bổ sung trong thời gian sớm nhất, trước 20.12 âm lịch để phục vụ cao điểm cuối năm. Nhiều ý kiến cho rằng nên lắp thang cuốn nhưng thiết kế của nhà xe hiện hữu không phù hợp, nếu lắp thang cuốn sẽ phá vỡ kết cấu hiện hữu. Bên cạnh thang máy, TCP cũng sẽ bổ sung nhiều nhân viên hướng dẫn cho hành khách. Bước đầu triển khai có thể còn nhiều bất cập nhưng sau một thời gian, chắc chắn mọi thứ sẽ đi vào nguyên tắc hơn”, ông Châu thông tin.

Chọn lọc doanh nghiệp uy tín để nhượng quyền

Từ ngày 14.11, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) chính thức áp dụng quy định phân làn, phân luồng ô tô mới. Theo đó, làn A (khu vực sát sảnh đón trả khách) chỉ dành cho phương tiện đưa khách đi máy bay và cấm đón khách. Làn B, làn C dành cho các phương tiện đón khách (trừ taxi, xe kinh doanh vận tải). Xe gia đình đón thì có thể vào 2 làn này, nhưng dừng không quá 3 phút. Còn làn D là ở nhà giữ xe ở sân bay dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách (áp dụng cho xe kinh doanh có đăng ký nhượng quyền với sân bay).
Từ đó đến nay, nhiều tài xế xe công nghệ đã thể hiện bức xúc, cho rằng việc phân làn không công bằng khi taxi được đón khách gần hơn, còn xe công nghệ phải di chuyển lên tầng cao và chịu phí 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng như trước. Việc di chuyển quá xa khiến nhiều hành khách hủy chuyến, tài xế vừa mất khách, vừa tốn phí.
Ông Phạm Vũ Cường, Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khẳng định phương án mới là hoàn toàn công bằng. Nếu tiếp tục quản lý, phân làn theo phương án cũ, hành khách ra khỏi nhà ga có thể dễ dàng bắt taxi, bắt xe công nghệ ngay, nhưng sẽ gây hỗn loạn ùn ứ nghiêm trọng, gây thiệt hại cho các khách tới sân bay như đã xảy ra trong suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 17 - Nghị định 102 của Bộ GTVT quy định kinh doanh phi hàng không tại các cảng hàng không: Các hãng vận tải muốn vào khai thác bắt buộc phải đấu giá nhượng quyền khai thác với cảng. Các hãng xe công nghệ không ký hợp đồng lại được ưu tiên đón ở làn thuận tiện như các hãng taxi đã ký hợp đồng thuê vị trí, như vậy mới là không công bằng.
“Chưa nói đến xe công nghệ, hiện có rất nhiều hãng taxi nhưng không phải hãng nào cũng được hoạt động tại sân bay. Cảng sẽ chọn lọc, doanh nghiệp uy tín, chất lượng mới được ký hợp đồng nhượng quyền. Mỗi hãng cũng chỉ có số lượng xe nhất định, có danh sách để cảng kiểm soát. Be, Grab là xu hướng mới, chúng tôi sẵn sàng hợp tác vì cả hành khách và cảng đều được lợi. Hiện người sử dụng xe công nghệ đang bị ảnh hưởng. Nếu hợp tác, chúng ta sẽ cùng ngồi lại tính toán điều phối để vừa thuận tiện cho hành khách, vừa đảm bảo an ninh trật tự cho sân bay”, ông Cường nói.
Có mặt tại buổi họp, ông Nguyễn Văn Hanh, Giám đốc pháp chế của beGroup (đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe be) bày tỏ mong muốn được hợp tác cùng cảng, ký hợp đồng nhượng quyền khai thác để có cơ sở phối hợp tốt nhất, có kinh phí cho cảng thực hiện đảm bảo an toàn giao thông. Hãng đề nghị nhà xe bố trí làn riêng cho xe công nghệ, có công tác hướng dẫn cho hành khách, kiểm soát quản lý tài xế tốt nhất. Đồng thời đề nghị được ứng dụng công nghệ kiểm soát giờ xe vào để tránh tình trạng ùn tắc, xe nhích từ đoạn này sang đoạn khác mất cả tiếng đồng hồ.
Phía Grab khẳng định sẽ tuân thủ pháp luật và ưu tiên hàng đầu là phục vụ thuận tiện cho hành khách. Doanh nghiệp này cũng đề xuất bố trí làn riêng cho xe công nghệ đón khách, đồng thời bố trí người hướng dẫn khách đi lên.
Mỗi chuyến bay chuyên chở 200 - 300 hành khách, chỉ cần 10% số đó đặt xe công nghệ, cùng một lúc ít nhất 100 xe ào vào thì không cơ sở hạ tầng của sân bay nào chịu nổi.
Ông Phạm Vũ Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.