'Mở cửa' đón 47 triệu lượt khách quốc tế: Lan tỏa du lịch, người dân hưởng lợi

08/08/2019 07:20 GMT+7

Khách du lịch không chỉ là nguồn cung ngoại tệ lớn, đóng góp cho nền kinh tế chung mà còn mang lại thu nhập ổn định cho cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào ngành công nghiệp không khói này.

Mở cơ hội đến mỗi người dân

Muốn trở thành một quốc gia du lịch, ý thức làm du lịch cần phải lan tỏa đến mọi người, mọi nhà và phải được dẫn dắt bởi những chính sách cụ thể từ phía nhà nước

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn

Du lịch tăng trưởng mạnh chính là nguyên nhân thúc đẩy phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tăng tốc, nhất là các dự án đầu tư dạng quần thể gồm đầy đủ khu resort, khách sạn, khu thương mại, dịch vụ, mua sắm, khu vui chơi giải trí... Thực tế ở nhiều nước đã chứng minh, những quần thể này là “thỏi nam châm”, thu hút khách du lịch. Đơn cử như tại Singapore, nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp, khác biệt, độc đáo của các chủ đầu tư uy tín có sức hút mạnh mẽ trên thị trường và đem lại giá trị cho nhà đầu tư.
Xu hướng du lịch tự túc đang phát triển tạo điều kiện cho rất nhiều gia đình đầu tư căn nhà thứ 2 để có khoản thu nhập ổn định, hoặc đầu tư làm homestay (du lịch dạng khách nghỉ tại nhà dân).
Đơn cử chỉ gần 2 năm từ ngày bắt đầu “rẽ hướng” đầu tư cho du lịch, anh Nguyễn Thành Tâm (Cồn Sơn, TP.Cần Thơ) đã biến gần 1.000 m2 diện tích ao nhà thành điểm du lịch, kênh sinh lời chính nuôi sống cả gia đình. Với lợi thế sông nước tứ bề, anh Tâm nuôi một đàn cá lóc hàng ngàn con, huấn luyện để cá có thể nhảy lên khỏi mặt nước theo nhịp điệu, trở thành “đặc sản cá lóc bay” chỉ có ở vùng Cồn Sơn. Cùng với vườn cây ăn trái, ao cá lóc bay độc đáo của anh Tâm mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách tham quan, mua cá, cao điểm có khi lên tới 200 - 300 khách/ngày, doanh thu mỗi tháng khoảng 50 - 60 triệu đồng. “Ở đây giờ ai có vườn, có ao cũng đều quy hoạch để làm du lịch, vừa vui vừa có tiền. Mấy chị, mấy bà còn đi học thêm tiếng Anh để làm hướng dẫn viên luôn, rất chuyên nghiệp”, anh Tâm kể.
N.Đ.Cường (25 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ dù học ngành bất động sản nhưng lại rất có hứng thú với du lịch. Sau khi ra trường, Cường bắt đầu khởi nghiệp bằng cách thuê một căn nhà nhỏ tại phố cổ với giá 9 triệu đồng/tháng, đầu tư thêm khoảng 200 triệu sửa sang lại thành 2 phòng ngủ, thiết kế đẹp mắt. Sau khi căn nhà hoàn thiện, Cường liên hệ với một số website du lịch cho du khách thuê phòng với giá 1,1 triệu đồng/ngày. “Gần như lúc nào cũng có khách đặt sẵn, khách đặt dài ngày sẽ được giảm giá. Trung bình mỗi tháng mình thu được hơn 40 triệu đồng từ tiền cho thuê, trừ tiền thuê nhà cũng còn lại 30 triệu đồng/tháng, chưa đầy nửa năm đã đủ hoàn vốn. Mình đang rủ thêm một số người bạn góp vốn để nhân rộng mô hình”, Cường hào hứng chia sẻ.

Liên kết đa ngành để lan tỏa du lịch

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ: “Ba lĩnh vực lữ hành, hàng không và khách sạn phải là những cặp bài trùng kết nối, tạo thành một chuỗi dịch vụ liên kết, bổ trợ lẫn nhau. Cần phải có sự tham gia của nhà nước như một nhạc trưởng kết nối, sự cầu thị của chính các doanh nghiệp, tất cả vì mục tiêu chung mới có thể đưa VN trở thành cường quốc du lịch”.
Nói thế để thấy, không chỉ lan tỏa sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, du lịch phát triển, khách quốc tế đến VN nhiều tạo ra vô số cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân. Thế nhưng thực tế không phải địa phương nào cũng biết tận dụng tiềm năng có sẵn để hình thành nên các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty CP Ngôi sao biển Sài Gòn, nhận định du lịch VN chưa khai thác hết tiềm năng là do mục tiêu “đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” vẫn chưa thật sự đi vào thực tế, chưa được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Người dân làm du lịch cũng chỉ đơn thuần chạy theo xu hướng, không có nhiều sáng tạo để hình thành nên những sản phẩm bài bản, chỉn chu. “Muốn trở thành một quốc gia du lịch, ý thức làm du lịch cần phải lan tỏa đến mọi người, mọi nhà và phải được dẫn dắt bởi những chính sách cụ thể từ phía nhà nước. Do là ngành kinh tế đa ngành, du lịch cần sự hỗ trợ của nhiều ngành khác như giao thông, hàng không, thương mại... mới có thể đột phá. Ví như giao thông yếu kém đang kìm hãm rất nhiều tiềm năng và khả năng phát triển du lịch của cả miền Tây Nam bộ”, ông Sơn dẫn chứng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel, đánh giá chính cái bắt tay lỏng lẻo giữa du lịch, hàng không, khách sạn đang cản trở phát triển du lịch VN. Thiếu liên kết là nguyên nhân chính khiến giá tour trong nước bị đẩy lên rất cao, người Việt ngày càng đổ xô đi du lịch nước ngoài, khiến một lượng ngoại tệ lớn chảy khỏi VN. Đây là những biểu hiện của một cấu trúc ngành du lịch lỏng lẻo, không chặt chẽ, thiếu chuyên nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.