Miễn giảm các loại thuế để giảm giá ô tô

04/12/2019 07:49 GMT+7

Đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan đến việc giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cho ô tô nội địa.

Theo đó, Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Điều này để khuyến khích doanh nghiệp (DN) nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu. Bộ Tài chính cho rằng hiện nay một số nước cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3 - 5 năm.
Trước đó, Bộ Công thương cũng đã có đề xuất thay đổi cách tính thuế này đối với xe sản xuất trong nước theo tỷ lệ nội địa hóa. Mới đây vào đầu tháng 9.2019, Bộ Công thương tiếp tục đề xuất không áp dụng thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô; đồng thời nâng thuế TTĐB đối với một số dòng xe ở mức hợp lý.
Đối với thuế nhập khẩu, Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh theo nguyên tắc thuế suất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế theo từng hiệp định thương mại tự do. Riêng một số cụm chi tiết quan trọng ô tô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số thì điều chỉnh thuế suất về 0% và áp dụng đến năm 2025...
Rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, điều kiện là phải có ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh phụ kiện cho ô tô trong nước phát triển. Thế nhưng từ năm 2017, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ các nước ASEAN thì thuế nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam vẫn giữ nguyên.
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để khuyến khích sản xuất trong nước, đặc biệt đối với ngành ô tô vì có cả ngàn linh kiện thì phải có chương trình dài hơi. Trong đó phải có lộ trình giảm thuế nhập khẩu linh kiện. Bên cạnh đó cần phát triển thị trường trong nước thì phải giảm thuế để người tiêu dùng có thể mua được ô tô rẻ hơn.
Chẳng hạn giảm thuế TTĐB, giảm thuế VAT vì thuế nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào các hiệp định thương mại và dần dần đều về 0%. Riêng thuế TTĐB có thể sử dụng linh hoạt để điều chỉnh nhằm khuyến khích DN trong nước tham gia các chuỗi cung ứng.
“Đề xuất miễn thuế TTĐB đối với linh phụ kiện sản xuất trong nước của Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng được nhưng cần lưu ý nhằm khuyến khích DN nội địa hơn là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tôi nghĩ rằng trong ngành ô tô, nên xem xét đưa ra chính sách cụ thể để tập trung khuyến khích các DN đầu ngành. Từ đó những DN này sẽ biết họ cần cái gì mà trong nước có thể cung cấp được hay phải nhập khẩu. DN sản xuất đầu ngành sẽ tập trung phát triển chuỗi cung ứng cho mình và sẽ lan dần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Chúng ta không thiếu văn bản chính sách nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô chưa phát triển được là do cứ chung chung, chưa đủ mạnh”, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.