Miền Bắc nguy cơ cắt điện luân phiên

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/06/2021 06:34 GMT+7

Thiếu điện đến mức phải cắt điện luân phiên vì thiếu nguồn cung là nguy cơ rất dễ xảy ra tại miền Bắc.

“Ăn” vào cả nguồn điện dự phòng

Cách đây 1 tuần, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cảnh báo công suất tiêu thụ điện toàn quốc tăng mạnh, lần đầu tiên vượt mốc 42.000 MW, lập đỉnh mới xưa nay chưa từng có. Trong nửa đầu năm nay, với tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục khiến nhu cầu sử dụng điện tại khu vực miền Bắc tăng mạnh. Trong tháng 6, có ngày tăng đột biến đến 21.500 MW (ngày 2.6), cao hơn 2.500 MW so với nhu cầu tải các ngày trước đó và tăng 15% so với cùng thời điểm năm ngoái. Tại miền Nam, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng song đến mức phải cắt điện vì thiếu thì chưa xảy ra.
Theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn điện lực VN, trong trường hợp các nguồn điện chậm tiến độ, nguồn năng lượng tái tạo ngừng triển khai sau mốc tháng 10 năm nay thì hệ thống sẽ bị thiếu hụt nguồn cung lớn. Sản lượng thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỉ kWh điện vào năm 2025.
Theo các chuyên gia, hiện với mức dự phòng gần như sát với mức tiêu thụ lúc đạt đỉnh, cắt giảm hay quá tải điện là điều khó tránh khỏi, đặc biệt khu vực phía bắc hiện không có nguồn điện mới được đưa vào vận hành hoặc có rất ít. Thực tế, trong tháng 6, miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ dù A0 đã điều chỉnh, khai thác tối ưu khả năng truyền tải điện từ miền Trung vào miền Bắc. Vào những giờ cao điểm trong ngày, khu vực này phải cắt điện luân phiên. Trong tháng 7, nguy cơ miền Bắc sẽ tiếp tục cắt điện luân phiên vào những giờ cao điểm nếu tiếp tục nắng nóng và nhu cầu cao như trong tháng 6. Theo tính toán của Viện Năng lượng, tại miền Bắc, tỷ lệ dự phòng điện đến năm 2025 chỉ còn 10%. Trong vài năm tới, nguồn điện dự phòng tại khu vực này hầu như không có, mùa khô phải nhận nguồn hỗ trợ từ miền Trung...
Thống kê của A0 cho thấy công suất lắp đặt của toàn hệ thống điện là gần 70.000 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà). Giải trình về dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công thương cũng cho rằng nếu xét cả nguồn năng lượng tái tạo thì tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc và các miền tương đối ổn. Trong đó miền Bắc là 13%, miền Trung 291% và miền Nam là 36%. Tuy nhiên, nếu không xét các nguồn năng lượng tái tạo thì hệ thống điện miền Bắc và miền Nam sẽ thiếu công suất dự phòng, đặc biệt phía bắc thiếu trầm trọng. Như vậy, vào thời điểm không có sự tham gia của điện mặt trời, thì công suất đặt của nguồn điện chỉ còn lại khoảng 53.000 MW. Mức công suất này chỉ đảm bảo khi được đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đầu vào, không có nhà máy nào gặp sự cố. Trong khi đó, vào mùa hè nắng nóng, thời điểm thủy điện thấp, hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện cũng thấp hơn so với ngày thường, khiến công suất khả dụng toàn hệ thống giảm mạnh.

Khuyến khích điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc

GS Trần Đình Long (Viện Điện lực VN) cho rằng thủy điện nói chung đã khai thác gần hết, không có nhà máy thủy điện lớn nữa, chưa kể thủy điện lại phụ thuộc lớn vào thời tiết trong khi năng lượng mặt trời ở phía bắc còn hạn chế. “Nếu nói về nhu cầu tăng thì cả ba miền đều tăng do thời tiết nắng nóng và người dân sử dụng điện nhiều hơn vì phải ở nhà phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, miền Nam và miền Trung có năng lượng tái tạo hỗ trợ và nhu cầu không tăng đột biến như khu vực miền Bắc nên không bị áp lực. Ngược lại, nhu cầu tiêu thụ điện tại miền Bắc vào mùa khô căng thẳng hơn do không có nguồn điện dự trữ nào khác ngoài nguồn điện được truyền tải từ miền Trung ra qua đường dây 500 kV, song đường này cũng bị giới hạn bởi phải gánh năng lực truyền tải của cả nước”, GS Trần Đình Long phân tích.
Trong khi đó, theo Bộ Công thương, khoảng 10 dự án có nguồn điện lớn bị chậm đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 -2020 như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Na Dương 2, Cẩm Phả 3, Công Thanh, Ô Môn III... Giải pháp trước mắt là một số dự án nhiệt điện khu vực miền Bắc nếu đang vướng mắc hoặc vì lý do tài chính, thủ tục để đưa vào vận hành nên sớm được tháo dỡ để giải bài toán điện cho khu vực. Về lâu dài, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại miền Bắc với chính sách đãi ngộ khác hoặc giữ mức đãi ngộ với điện mặt trời hiện tại về giá mua, lãi vay đầu tư...
Xác định hệ thống điện miền Bắc vào những ngày cao điểm mùa hè chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong vận hành, A0 đưa ra 3 phương án trong năm tới là tăng trưởng điện lên 8,7%, hoặc cao hơn 15% so với 2021, hoặc lên 18% trong trường hợp ảnh hưởng dịch Covid-19 được khắc phục hoàn toàn, kinh tế phục hồi.
GS Long bổ sung: bài toán điện cho khu vực miền Bắc trong quy hoạch nguồn cho tương lai phải có phương án phát sinh mang tính đột xuất như trường hợp Covid-19 là ví dụ. Thực tế, khi xây dựng phương án dự phòng, việc dự tính các dự án không kịp tiến độ hay thời tiết hạn hán, thủy điện không đáp ứng đủ... đều có đủ. Dịch Covid-19 là trường hợp bất khả kháng nhưng đã xảy ra, hệ quả là thiếu điện cục bộ, nên quy hoạch nguồn trong thời gian tới chú ý vấn đề này. Về lâu dài, phải tiến hành thí điểm đầu tư các bộ ắc quy lớn, tích điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Có như vậy, nguồn năng lượng tái tạo được tích ban ngày này sẽ đưa vào sử dụng buổi tối. Chưa kể ban ngày nếu nguồn năng lượng mặt trời lớn, có thể giữ nước lại cho các dự án thủy điện để phát bù ban đêm nếu cần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.