Máy bay 'Made in China' sắp cất cánh

24/04/2017 17:14 GMT+7

Máy bay phản lực lớn đầu tiên của Trung Quốc vừa kết thúc đợt thử nghiệm cuối cùng tại Thượng Hải để sẵn sàng cất cánh.

Theo CNN, chiếc máy bay C919 được Commercial Aircraft Corporation of China, hay Comac, sản xuất, vừa kết thúc đợt thử nghiệm cuối cùng hôm 23.4 tại Thượng Hải. Các phi công thử nghiệm đưa tàu bay xuống đường băng tại Sân bay Quốc tế Phố Đông - Thượng Hải và thực hiện việc lái thử nghiệm.
Trước khi C919 có thể lần đầu cất cánh vào cuối tháng 5, các phi công phải chứng minh máy bay phản lực dừng được an toàn trên đường băng trong trường hợp có điều bất ổn. C919 có 168 chỗ ngồi và kích thước máy bay tương tự mẫu Airbus A320 và Boeing 737-800. Đây là hai mẫu tàu bay phổ biến nhất thế giới.
Nhìn từ bên ngoài, máy bay chở khách mới của Trung Quốc trông khá quen thuộc. Thiết kế của nó là sự kết hợp của mẫu tàu bay từ các hãng phương Tây và ngành hàng không Trung Quốc. Trong khi đó, động cơ lại giống hệt những mô hình Airbus mới nhất.
Nội thất C919 thực sự có thể giúp khách hàng có trải nghiệm thoải mái hơn so với các mẫu tàu bay phương Tây. Comac thêm vài inch vào chiều rộng của cabin so với các thiết kế của Airbus và Boeing.
Một khi mẫu máy bay này cất cánh, Đại lục sẽ đứng vào hàng ngũ các nước phát triển những hãng sản xuất máy bay lớn như Mỹ, Brazil, Nga, Canada, Anh, Pháp và Đức. Đến nay, tham vọng hàng không vũ trụ của Trung Quốc vẫn tiến rất chậm chạp. Hãng hàng không nhà nước đầu tiên của nước này lần đầu đăng ký mua máy bay C919 năm 2010 và ban đầu mẫu này được dự kiến đưa vào phục vụ từ năm 2016.
Dù vậy, nguyên mẫu C919 không được giới thiệu cho đến tháng 11.2015. Dự án bị chậm vì sự chậm trễ về kỹ thuật do Trung Quốc vẫn đang học hỏi cách phát triển tàu bay. Chuyến bay đầu tiên của mẫu tàu bay “made in China” sẽ là bước ngoặc lớn nhất, rõ ràng nhất, song Đại lục vẫn còn chặng đường dài để đi trước khi có thể chở hành khách và cạnh tranh được với các mẫu đến từ Mỹ và châu Âu.
C919 có thể trải qua nhiều tháng hoặc nhiều năm thử nghiệm, chứng nhận dai dẳng. Nó phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn có thể yêu cầu thay đổi thiết kế. Comac cũng cần giành được sự tin tưởng từ các hãng bay Trung Quốc và nhiều nước khác, chứng minh rằng máy bay có thể hoạt động hiệu quả và đáng tin cậy đối với các chuyến bay đã được lên lịch. Ngay cả nhiều doanh nghiệp có hàng thập niên kinh nghiệm như Boeing, Airbus cũng phải đối mặt vô số sự chậm trễ khi giới thiệu máy bay mới.
Trung Quốc hiện trên đường vượt Mỹ trở thành thị trường hàng không thương mại lớn nhất thế giới năm 2030. Mỗi năm, các hãng hàng không nước này mua hàng trăm máy bay chở khách mới từ Airbus và Boeing để phát triển đội bay. Boeing ước tính Đại lục cần số máy bay có tổng giá trị 1.000 tỉ USD trong hai thập niên tới. Công ty Mỹ dự báo quốc gia Đông Á cần hơn 5.100 chiếc máy bay có kích thước tương tự C919.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.