Mất 1,7 tỉ USD/năm vì tắc nghẽn giao thông

05/10/2013 03:10 GMT+7

Hôm qua, tại TP.HCM đã công bố hai báo cáo “Hậu cần hiệu quả - Chìa khóa cho năng lực cạnh tranh của VN” và “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh”. Báo cáo “Hậu cần hiệu quả - Chìa khóa cho năng lực cạnh tranh của VN” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, cho thấy thời gian phụ trội thêm liên quan đến các thủ tục thông quan ở VN khiến chủ sở hữu hàng hóa (BOC) tiêu tốn khoảng 96 triệu USD trong năm 2012 và có thể tăng lên 182 triệu USD vào năm 2020.

Bên cạnh đó, chi phí bôi trơn làm giảm đáng kể sự minh bạch trong xuất nhập khẩu hàng hóa, chiếm khoảng 15% trong tổng chi phí của một container 40 feet và khoảng 13% trong tổng chi phí của một container xuất khẩu hàng hóa thông thường. Ngoài ra, ước tính việc tắc nghẽn giao thông khiến BOC mất 152 triệu USD trong năm 2012 và 274 triệu USD vào năm 2020. Ảnh hưởng về kinh tế của tắc nghẽn giao thông đối với tất cả người sử dụng hệ thống ước tính là 1,7 tỉ USD mỗi năm.

Báo cáo “Tạo thuận lợi thương mại, tạo giá trị và năng lực cạnh tranh” do WB cùng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (NCIEC) công bố. Theo báo cáo, thời gian để hoàn tất thủ tục xuất khẩu/nhập khẩu (chuẩn bị hồ sơ, thông quan và kiểm tra kỹ thuật, thủ tục cảng, vận chuyển nội địa) ở VN mất trung bình 21 ngày trong khi Thái Lan là 13 ngày, Philippines là 14 ngày, còn Singapore chỉ 4 ngày… Chi phí xuất nhập khẩu của VN cũng rất cao, mất khoảng 580 - 670 USD/container. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, ở VN, thời gian thông quan có tính kiểm tra thực tế mất 3 ngày rưỡi, tương đương Trung Quốc, nhưng nhiều hơn Malaysia (2 ngày) hoặc Thái Lan (1 ngày rưỡi). Tỷ lệ kiểm tra thực tế tính trên phần trăm lô hàng nhập khẩu ở VN là 40%, trong khi Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc chưa tới 10%. Thủ tục hải quan nói chung chậm và thiếu nhất quán; chỉ mới có tờ khai hải quan áp dụng điện tử, còn lại là quá trình thủ công.

Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế của WB tại VN, năng lực cạnh tranh thương mại được xác định dựa trên ba trụ cột chính: hạ tầng giao thông và dịch vụ hậu cần, thủ tục hải quan và chuỗi cung ứng. 15 năm qua, tăng trưởng thương mại của VN đạt bình quân 18%/năm, tăng trưởng khối lượng vận chuyển hàng hóa 12%/năm nhưng tăng trưởng đầu tư vào hạ tầng giao thông là 0%/năm. Đầu tư hạ tầng giao thông chỉ chiếm 3,1% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển... 

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.