Mạo hiểm hồi sinh Leflair, Society Pass khẳng định 'mua lại không ngại cái tên'

13/07/2021 09:01 GMT+7

Leflair là cái tên từng xuất hiện nhiều lùm xùm trước khi chính thức tuyên bố phá sản vào tháng 5.2020. Song, ông chủ mới của sàn thương mại điện tử chuyên bán hàng hiệu này rất tự tin vào bước đầu tư mạo hiểm của mình

Không phải thừa kế nợ của chủ cũ

Xuất hiện nhiều lùm xùm liên quan đến các khoản nợ với nhiều đối tác trước khi chính thức tuyên bố phá sản, thông tin sàn thương mại điện tử Leflair được Society Pass - một công ty công nghệ từ Mỹ - "bơm máu" để hồi sinh với kỳ vọng dựng nên một kỷ nguyên mới của Leflair, ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả người tiêu dùng và các đối tác cũ.
Đại diện Society Pass khẳng định doanh nghiệp này đã chính thức hoàn tất pháp lý thương vụ mua bán (M&A) với chủ sở hữu thực sự của Leflair là Tập đoàn GoodVentures SEA Ltd. có trụ sở chính tại Hồng Kông. Thương vụ M&A này hoàn toàn không liên quan gì đến pháp nhân cũ từng vận hành Leflair tại Việt Nam. Đồng thời, thương vụ cũng cho phép Society Pass toàn quyền đưa Leflair trở lại thị trường và quản lý, vận hành trực tiếp nền tảng của Leflair theo tên miền www.leflair.com. Vì vậy, Society Pass không có bất cứ liên quan gì đến pháp nhân cũ từng vận hành Leflair tại Việt Nam - đơn vị vốn đã tuyên bố phá sản và được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật. Theo đó, Society Pass cũng sẽ không liên quan và không phải chịu bất kỳ trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ từng sử dụng thương hiệu Leflair.
Thực tế, Leflair chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2015, được sáng lập và điều hành bởi 2 doanh nhân trẻ người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun, vốn là 2 nhân sự của Lazada. Tại Việt Nam, cái tên Leflair tạo niềm tin về một địa chỉ mua hàng hiệu chính hãng với nhóm khách hàng trung lưu. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, doanh nghiệp này đã không thể trụ nổi và xuất hiện nhiều lùm xùm trước khi chính thức tuyên bố phá sản vào tháng 5.2020. Gần 1 năm sau khi thông báo ngưng hoạt động tại thị trường Việt Nam và nộp đơn xin phá sản, tháng 3 vừa qua, thủ tục phá sản của Leflair đã được mở, xác nhận bởi giấy chấp thuận đề nghị phá sản từ tòa án.
LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam phân tích: Theo luật, dù có quyết định của tòa án chấp thuận cho phép phá sản thì đơn vị trực tiếp sáng lập và điều hành Leflair Việt Nam (trường hợp này là 2 doanh nhân Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun) cùng các thành viên góp vốn (nếu có) phải chịu trách nhiệm hoàn tất toàn bộ công nợ của doanh nghiệp, tương ứng với tỷ lệ phầm trăm góp vốn. Trong đó, có việc hoàn trả đầy đủ nợ cho các đối tác cũng như khách hàng (nếu có).
"Tập đoàn GoodVentures SEA Ltd. tại Hồng Kông không góp vốn vào Leflair Việt Nam, họ chỉ là đơn vị sở hữu thương hiệu Leflair và đã hoàn tất thương vụ bán lại thương hiệu này cho Society Pass. Society Pass chỉ mua lại thương hiệu, không mua lại phần vốn góp hay toàn bộ công ty Leflair cũ nên không dính dáng tới các khoản nợ của doanh nghiệp cũ. Nói cách khác, Leflair sẽ chỉ là cái tên quen thuộc, được mua lại và vận hành hoàn toàn bởi ông chủ mới và không phải kế thừa trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ từng sử dụng thương hiệu Leflair" - vị này dẫn giải.

Cú mạo hiểm đáng tiền?

Khẳng định thương vụ M&A này hoàn toàn hợp pháp, song, LS Hậu cũng khá lo ngại về độ mạo hiểm của Society Pass khi "dám" mua lại một thương hiệu đã phần nào bị "mẻ" do từng phá sản và chủ cũ chưa giải quyết ổn thỏa công nợ trước khi phá sản. Trước đó, cũng có 1 vài thương hiệu nổi tiếng sau khi được nhà đầu tư mới mua lại cũng phải mất rất nhiều năm để xóa bỏ ấn tượng cũ, lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng. Lợi thế lớn nhất của Society Pass khi mua lại Leflair là không mất thời gian xây dựng mới nền tảng công nghệ, đội ngũ kỹ thuật mới bởi đây cũng là một trong những yếu tố khá quan trọng và mất nhiều thời gian đối với sàn thương mại điện tử mới.
Đại diện Society Pass chia sẻ sự tin tưởng vào những giá trị cốt lõi mà Leflair đã xây dựng trong 5 năm qua tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục mang theo trong tương lai chính là động lực thúc đẩy Society Pass mua lại thương hiệu này.
Thực tế, thời điểm mới ra mắt, thương hiệu Leflair gây ấn tượng rất lớn với người tiêu dùng Việt khi lựa chọn hoạt động theo mô hình kinh doanh giữ hàng qua kho thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace). Chỉ ngay trong năm đầu tiên chào sân, họ đã thu hút hơn 2.500 thương hiệu hợp tác và mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines. Trong 4 năm kinh doanh (từ 2016 - 2019), sàn bán lẻ hàng hiệu này đã tiếp cận và phục vụ hơn 120.000 khách hàng, doanh thu thuần mỗi năm đạt hàng chục triệu USD và duy trì giá trị đơn hàng trung bình cao nhất thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Trong quá trình kinh doanh, nhà khai thác của Leflair trước đây khá bạo tay trong việc đầu tư, chi tiền cho việc làm hình ảnh và nội dung cho trang web.
"Ngoài ra, tận dụng tối đa thế mạnh về quản trị nền tảng và công nghệ, Leflair “mới" sẽ có những bước tiến nhanh trong việc áp dụng các công nghệ mới nhất để cải thiện trải nghiệm người dùng, cũng như quản lý vận hàng nâng cao chất lượng phục vụ để có thể đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và khắt khe của người dùng. Cùng với việc chính thức gia nhập hệ sinh thái super app của Society Pass, Leflair sẽ xuất hiện lại trên thị trường mạnh mẽ hơn, với sự tham gia của những thương hiệu từng quen thuộc, cũng như sự bùng nổ với những cái tên mới, cùng tệp khách hàng được mở rộng" - đại diện Society Pass nhấn mạnh.
Đánh giá sự quay trở lại của Leflair, ông Ralf Matthaes, giám đốc điều hành cũa hãng nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research cho rằng Leflair là một thương hiệu quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Thị trường hàng hóa cao cấp đang là mảnh đất màu mỡ của nhiều thương hiệu ngoại. Hàng cao cấp tại Việt Nam năm 2020 đạt gần 1 tỉ USD và ước tăng trưởng kép hằng năm hơn 9% trong vòng 5 năm tới theo số liệu của Statista. Do đó, việc mua lại Leflair sẽ giúp Sopa tiến sâu hơn vào phân khúc hàng tiêu dùng cao cấp tại Việt Nam.
“Đặc biệt trong đại dịch, nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng cao khi người dân được khuyến khích ở nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó, hoạt động mua sắm hàng cao cấp từ nước ngoài hiện khó khăn do gián đoạn vận chuyển trên toàn cầu. Việc ra mắt Leflair không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam ngay trong đại dịch mà còn tạo ra một sân chơi cho các thương hiệu cao cấp tiếp cận người tiêu dùng Việt”, ông Matthaes nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.