Lúa giống ồ ạt tăng, năng suất giảm

29/09/2015 16:24 GMT+7

Ba năm qua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống ở ĐBSCL tăng trên 1.000, nhưng do quản lý lỏng lẻo đã làm giảm chất lượng, năng suất khi đến người trồng lúa.

Ba năm qua, các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống ở ĐBSCL tăng trên 1.000, nhưng do quản lý lỏng lẻo đã làm giảm chất lượng, năng suất khi đến người trồng lúa.

Nhiều nơi vẫn còn sản xuất giống lúa kém chất lượng - Ảnh: Thanh ĐứcNhiều nơi vẫn còn sản xuất giống lúa kém chất lượng - Ảnh: Thanh Đức
Quản lý chưa chặt chẽ
Từ năm 2012 đến nay, số cơ sở sản xuất và kinh doanh giống lúa tại ĐBSCL đã tăng từ 271 cơ sở lên 1.362 cơ sở, trong đó có 332 cơ sở sản xuất giống, 328 cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh và 702 cơ sở kinh doanh. Số cơ sở nhiều nhưng việc quản lý chưa được chặt chẽ, một số tỉnh chưa thống kê hết các cơ sở sản xuất lúa giống trong địa bàn bao gồm hệ thống nhân giống chính quy và không chính quy. Việc không nắm được các cơ sở này dẫn đến khâu quản lý sản xuất và kinh doanh giống lúa gặp nhiều khó khăn, rất khó kiểm soát chất lượng giống. Hiện tại chỉ mới có Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu nắm được số cơ sở sản xuất giống.
TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, lo lắng: “Số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh giống lúa gia tăng là xu hướng tích cực, tuy nhiên do không quản lý được các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống nên việc đánh giá năng lực sản xuất giống của các địa phương chưa đầy đủ, chưa gần với thực tiễn sản xuất kinh doanh giống. Do đó, cần tăng cường quản lý để kiểm soát chất lượng và cơ cấu giống trong sản xuất lúa.
Theo TS Dư, hầu như không có tỉnh nào kiểm soát hay biết số lượng, chủng loại giống siêu nguyên chủng được sản xuất trên địa bàn. Hiện tại, chỉ có 6/13 tỉnh công bố được khối lượng giống lúa cấp nguyên chủng được sản xuất trong địa bàn nhưng không cung cấp được thông tin về chủng loại giống; có 9/13 tỉnh cung cấp được số liệu sản xuất giống lúa cấp xác nhận. Con số này rất xa với số thực tế theo tính toán của cơ quan chuyên môn. Riêng các tỉnh An Giang, Cà Mau, Hậu Giang và TP.Cần Thơ không cung cấp được lượng giống lúa cấp xác nhận được sản xuất.
Theo báo cáo của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống thì khối lượng giống lúa siêu nguyên chủng được sản xuất ở ĐBSCL năm 2014 đạt 458 tấn. Số lượng này có thể sản xuất hàng chục ngàn tấn giống nguyên chủng và hàng triệu tấn giống cấp xác nhận, tuy nhiên vẫn chưa thấy thể hiện trong hoạt động quản lý và chỉ đạo của địa phương với công tác quản lý nhà nước và cơ cấu giống trong sản xuất lúa tại ĐBSCL.
Cần chấn chỉnh
Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã có những khuyến cáo các địa phương về tỷ lệ sử dụng giống IR 50404 trong vụ hè thu tối đa không quá 10% diện tích, nhưng theo số liệu của một số Sở NN-PTNT, các tỉnh ĐBSCL tỷ lệ giống lúa IR 50404 chiếm 24,7% trong cơ cấu giống vụ hè thu 2015. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thừa nhận hệ thống sản xuất và kinh doanh giống lúa có quá nhiều vấn đề và có lỗi của các khâu sản xuất lúa giống chất lượng cao. Cục Trồng trọt cần xem lại khâu quản lý, sản xuất và kinh doanh; đồng thời làm việc với các địa phương xác định lại các tiêu chí trong việc đánh giá chất lượng giống lúa. Song song đó xác định lại những đơn vị, công ty làm ăn chân chính để công bố rộng rãi cho nông dân biết để sử dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.
“Cục Trồng trọt cần có báo cáo đầy đủ về việc sản xuất và kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL, phải có đề nghị với Bộ trưởng ra một chỉ thị để chấn chỉnh công tác sản xuất và kinh doanh giống lúa. Các địa phương cũng như các viện đẩy mạnh công tác khuyến nông để giảm lượng giống dưới mức 100 kg/ha khi gieo trồng. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nông dân giảm lượng giống trong khi gieo trồng và nên sử dụng giống xác nhận, giống chất lượng cao và làm việc với Hiệp hội trong việc dự báo thị trường tiêu thụ”, ông Doanh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.