Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ‘bay hơi’ hàng trăm tỉ sau kiểm toán

Mai Phương
Mai Phương
16/04/2020 14:42 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp niêm yết lại diễn ra tình trạng lợi nhuận sụt giảm mạnh hoặc số lỗ gia tăng sau khi kiểm toán.

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 đã qua kiểm toán cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty còn 523 tỉ đồng, giảm 685 tỉ đồng so với trước khi kiểm toán, tương ứng mức giảm 64%. Lợi nhuận CII giảm chủ yếu do doanh thu tài chính của công ty giảm 571 tỉ đồng sau kiểm toán. Trong thư gửi cổ đông, Ban lãnh đạo CII cho biết rất bất ngờ về kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán. Theo CII, đã có khá nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và Công ty CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí. Ví dụ, các khoản doanh thu từ những thương vụ mà CII đã ký hợp đồng với các bên liên quan trong năm 2019 nhưng thủ tục hành chính và thanh toán kết thúc vào ngay ngày đầu năm 2020. Trước đó, tiền đặt cọc đã giao vào năm 2019 nên doanh nghiệp này ghi nhận các thương vụ này trong năm vừa qua. Tuy nhiên, theo quan điểm của đơn vị kiểm toán thì các doanh thu này phải được hạch toán trong năm 2020 hoặc năm kế tiếp...
Công ty Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) cũng ghi nhận lỗ tăng thêm gần 122 tỉ đồng sau kiểm toán, lên mức 1.003 tỉ đồng. Nguyên nhân chính là kiểm toán ghi nhận mức lỗ trong công ty liên doanh lên hơn 20,6 tỉ đồng trong khi trước đó công ty ghi nhận lãi 1,5 tỉ đồng; kiểm toán điều chỉnh các chi phí khác lên 134,4 tỉ đồng trong khi công ty chỉ ghi nhận khoản này gần 8,8 tỉ đồng.
Còn Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) trước kiểm toán ghi nhận lỗ trong năm 2019 gần 497 tỉ đồng nhưng sau kiểm toán đã tăng lên hơn 1.123 tỉ đồng. Trong đó, đáng chú ý là tại khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp, khi phần trích dự phòng phải thu khó đòi của HVG tăng từ mức 221 tỉ đồng được kiểm toán nâng lên đến hơn 440 tỉ đồng...
Riêng trường hợp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán ghi nhận lỗ ròng hơn 1.800 tỉ đồng, tăng thêm 200 tỉ đồng so với báo cáo trước kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu do kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc hoàn nhập chi phí dự phòng liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền 335 tỉ đồng và đối với các khoản không trích dự phòng chi phí thuế cho năm 2019 ước tính 147 tỉ đồng. Đây là khoản thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Phía HAG cho rằng công ty không phải đối tượng của chống chuyển giá và cũng đang lỗ nặng nên việc phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp do bị loại chi phí lãi vay phát sinh vượt 20% là chưa hợp lý và đang kiến nghị với Chính phủ để được miễn giảm phần thuế này. Tuy nhiên, kiểm toán vẫn đưa ra ý kiến ngoại trừ vì cho rằng tính đến cuối năm 2019, Nghị định 20/2017 vẫn chưa có văn bản sửa đổi chính thức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.