Lo nhân viên hàng không bị khủng bố lôi kéo do ‘tâm lý bất ổn’

23/12/2015 18:13 GMT+7

Theo Cục trưởng Hàng không VN, đa phần nhân viên làm việc tiếp cận trực tiếp với máy bay là lao động phổ thông, hưởng mức lương thấp. Nếu phần tử xấu có ý đồ lôi kéo bằng kinh tế, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Theo Cục trưởng Hàng không VN, đa phần nhân viên làm việc tiếp cận trực tiếp với máy bay là lao động phổ thông, hưởng mức lương thấp. Nếu phần tử xấu có ý đồ lôi kéo bằng kinh tế, nguy cơ mất an toàn rất cao.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: Ngọc ThắngPhó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: Ngọc Thắng
Sáng nay 23.12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm (2011 - 2015) và triển khai công tác năm 2016 của ủy ban. 
Theo Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh, ngoài nguyên nhân người dân chưa có ý thức chấp hành pháp luật khi đi máy bay, công tác phối hợp chưa được quan tâm đúng mức, còn do tâm lý bất ổn của nhân viên hàng không. Ông Thanh cho rằng, trong giai đoạn hàng không đang tăng trưởng nóng, việc các đối tượng chống phá hay có mục đích xấu lôi kéo nhân viên hàng không vào hoạt động khủng bố hoàn toàn có thể dựa vào tâm lý bất ổn của họ.
“Đa phần nhân viên làm việc tiếp cận trực tiếp với máy bay là lao động phổ thông, hưởng mức lương thấp. Thậm chí có trường hợp làm 8 năm liền trong chế độ thử việc thời vụ. Nếu phần tử xấu có ý đồ lôi kéo bằng kinh tế, nguy cơ mất an toàn là rất cao. Trong khi vấn đề an ninh nội bộ, kiểm soát nhân thân, ngành hàng không làm chưa sâu, mới chỉ bắt đầu”, ông Lại Xuân Thanh nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhìn nhận, chỉ một số ít cơ quan, đơn vị trong ngành hàng không bố trí lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, nhưng hầu hết là kiêm nhiệm, số lượng mỏng, chưa được đào tạo về chuyên môn. Tổng công ty Hàng không Việt Nam chỉ có 1 cán bộ thuộc Ban Tổ chức và Phát triển nguồn nhân lực được bố trí làm nhiệm vụ này, trong khi tổng số cán bộ nhân viên là hơn 12.000 người. 
Ông Đinh La Thăng cho rằng, phải làm tốt công tác tuyển chọn, bố trí cán bộ nhân viên liên quan trực tiếp đến dây chuyền khai thác vận chuyển hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị, có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Đề cập đến thực tế với các đoàn tùy tùng của lãnh đạo cấp cao khi đi chuyên cơ ở sân bay thường không bị kiểm tra hành lý, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị: “Với tùy tùng, các đồng chí phải nghiêm túc, không có ngoại lệ. Đây cũng là cách để các đối tượng làm nhiệm vụ phục vụ không bị mua chuộc”.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: “Việc mất cắp hành lý cũng có thể là dấu hiệu của việc mất an ninh hàng không rất nguy hiểm, thể hiện sự yếu kém trong kiểm tra, kiểm soát, có dấu hiệu của việc móc nối giữa các đối tượng bên ngoài với nhân viên hàng không. Hàng không là ngành đặc thù, không cho phép mắc bất kỳ sai lầm nào”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong 5 năm, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý được 920 vụ vi phạm an ninh hàng không. Trong đó, có tới 500 vụ hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm trái quy định, 40 vụ tung tin hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, vật liệu nổ; 142 vụ gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không trên máy bay, tại cảng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; 169 vụ vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi máy bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.