Lỗ nghìn tỉ, Đạm Ninh Bình xin thêm ưu đãi

15/09/2016 09:40 GMT+7

Số lỗ hơn 3 năm qua của nhà máy có mức đầu tư 667 triệu USD này đã vượt con số 2.700 tỉ đồng, dù nhận được nhiều ưu đãi từ Chính phủ.

UBND tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc tháo gỡ khó khăn cho nhà máy đạm thuộc tập đoàn hóa chất đóng ở địa phương, theo lời "cầu cứu" trước đó của doanh nghiệp.
Âm vốn chủ sở hữu
Đi vào hoạt động từ cuối năm 2011, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có công suất 560.000 tấn u rê/năm với mức đầu tư 667 triệu USD (tương đương 10.800 tỉ đồng với thời giá lúc đó) dự tính được "lỗ kế hoạch" trong 3 năm đầu khoảng 1.079 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD). Tuy nhiên, tính đến hết tháng 6.2016, mức lỗ đã lên tới gần 2.700 tỉ đồng, trong đó, đáng kể nhất là trong hai năm 2013 và 2014 lỗ lần lượt là 936 tỉ và 738 tỉ đồng.

tin liên quan

Nhà máy 700 triệu USD chết dở với công nghệ Trung Quốc
Được hy vọng là một trong những nguồn cung lớn (công suất 560.000 tấn u rê/ năm), góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu phân bón trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng Nhà máy đạm Ninh Bình từ ngày đi vào vận hành đến nay chưa ngày nào có lãi.
Điều đáng nói là từ năm 2015, nhà máy đã được hưởng nhiều ưu đãi từ các cơ quan quản lý như giá than bán cho công ty giảm 30.000 - 50.000 đồng/tấn, cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn… thế nhưng mức lỗ vẫn rất lớn với con số 592 tỉ đồng. Sang nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh bết bát chưa có dấu hiệu dừng lại với mức lỗ ghi nhận hết quý 2/2016 đã xấp xỉ 457 tỉ đồng.
Báo cáo mới đây của doanh nghiệp thừa nhận thực tế trên khiến tình hình tài chính công ty rất khó khăn, dòng tiền phục vụ sản xuất và trả nợ luôn thiếu hụt, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn và đặc biệt là vốn chủ sở hữu (100 triệu USD) đã bị âm.
Bảy tháng đầu năm, nhà máy phải thu hẹp sản xuất, chỉ chạy máy được 76 ngày, chiếm 36% tổng quỹ thời gian và duy trì ở phụ tải thấp. Trong khi đó, giá bán u rê Ninh Bình bình quân từ đầu năm đến nay đã giảm khoảng 2,7 triệu đồng/tấn so với thời điểm nhà máy bắt đầu có sản phẩm. Việc tồn kho cao và tiêu thụ khó khăn khiến Đạm Ninh Bình dự kiến lỗ tiếp tục tăng và đứng trước nguy cơ dừng sản xuất dài hạn do không cân đối được dòng tiền. Cũng phải nói thêm, Đạm Ninh Bình vừa hoạt động trở lại tháng trước sau gần 5 tháng ngưng chạy với lý do bảo dưỡng, sửa chữa máy móc.
Xin thêm hàng loạt ưu đãi
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Ninh Bình đã kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho nhà máy.
Trong khi đó, tại văn bản kiến nghị của Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình mà UBND tỉnh này gửi kèm lên Thủ tướng, doanh nghiệp đề xuất một loạt giải pháp ưu đãi. Đáng chú ý như kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ Tài chính và Công thương tổ chức hiệp thương về giá than để hạ giá bán than cho nhà máy này xuống 20%.
Đối với khoản vay tại Ngân hàng Phát triển VN (VDB), doanh nghiệp đề xuất được chuyển thành vốn góp của nhà nước nhằm giảm số nợ gốc và lãi vay. Cùng với đó, công ty cũng kiến nghị Chính phủ cho giãn thời gian trả nợ ít nhất là 5 năm với các khoản vay dài hạn đầu tư cho dự án tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (nợ vay của dự án tại ngân hàng ngoại này là 250 triệu USD).
Với nhóm giải pháp về thuế, Đạm Ninh Bình mong muốn khi Chính phủ báo cáo Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp trong năm 2016 thì đề nghị sửa đổi để phân bón u rê vào đối tượng được chịu thuế GTGT đầu ra về 0%. Công ty cũng đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm u rê, tương tự cách đang thực hiện với các sản phẩm phôi thép hay bột ngọt, nhằm hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào khiến cho sản phẩm của nhà máy phải bán dưới giá thành như thời gian gần đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.