Lo ngại nợ công vì yen Nhật tăng giá

07/05/2016 06:35 GMT+7

Bất chấp nền kinh tế Nhật Bản rơi vào giai đoạn suy yếu và nước này đang áp dụng lãi suất âm, yen Nhật đã tăng giá trên 12% so với USD kể từ đầu năm đến nay.

Theo các chuyên gia, thực trạng này sẽ góp phần đẩy nợ công của VN tăng.
Ngày 5.5, bảng giá niêm yết tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) công bố giá 1 yen Nhật mua vào 207,14 VND và bán ra 208,99 VND. So với thời điểm cuối năm 2015, đồng yen tăng giá 11 - 12%, nếu lùi lại một chút vào thời điểm 1.6.2015, ngoại tệ này tăng giá tới gần 20% so với VND.
"Cơn đau đầu" của chính phủ Nhật đã lan sang VN khi yen Nhật chiếm tỷ lệ rất lớn trong “rổ” nợ công. Đánh giá của TS Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho thấy, trong cấu trúc nợ công của VN, nợ bằng yen Nhật thường chiếm 38%, nợ bằng USD chiếm 25%, euro 15%, còn lại là các đồng tiền khác...
Trong khi đó, thông tin mới nhất được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết tính đến ngày 31.12.2015, nợ công của VN chiếm 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP. Với quy mô GDP năm 2015 khoảng hơn 200 tỉ USD như tính toán của Tổng cục Thống kê, nợ công của VN đã lên tới hơn 124 tỉ USD.


Để giảm thiểu tác động đến nợ công do biến động tỷ giá, phải siết lại các khoản vay đã cấp và bảo lãnh cho doanh nghiệp. Phải kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm

Doanh nghiệp được bảo lãnh thua lỗ
Chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long cho rằng với cơ cấu yen Nhật chiếm 1/3 tổng số 124 tỉ USD nợ công thì việc đồng tiền này tăng giá gần 20% trong khoảng 1 năm qua, nợ công của VN sẽ gia tăng tương ứng. Nhưng điều đáng ngại, theo ông Long, là yen Nhật chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi khả năng trả nợ của VN đang rất khó khăn do nhiều doanh nghiệp (DN) được Chính phủ bảo lãnh thua lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo kiểm toán vừa được công bố, năm 2015, Tổng công ty cảng hàng không VN (mã ACV) ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 600 tỉ đồng. Khoản lỗ tỷ giá chủ yếu từ 4 món vay dài hạn lớn bằng yen Nhật, theo những hiệp định vay vốn giữa VN và Nhật Bản. Tổng giá trị những khoản vay này là 70,6 tỉ yen (khoảng 140.000 tỉ đồng). Đó là những khoản vay để ACV thực hiện dự án nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất và nhà ga quốc tế Nội Bài T2.
Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Tại thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 ghi nhận con số nợ hơn 4.360 tỉ đồng tính đến ngày 31.12.2015 của PPC với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC). Khoản vay trên được thực hiện bằng yen Nhật theo Hợp đồng số 002/2006/HDCVL ngày 30.11.2006 do Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho PPC vay lại nguồn vốn vay của JBIC.
Đáng chú ý, lãi vay mà PPC phải trả là 120,229 tỉ đồng trong khi lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái lên tới 283,599 tỉ đồng. Tổng cộng PPC phải trả cho JBIC số tiền lãi lên tới 403,898 tỉ đồng trong năm 2015. Đây là hệ quả từ việc yen Nhật tăng giá so với VND trong năm qua.
Không chỉ hàng không và ngành điện, nhiều DN khác trong ngành xi măng cũng đang rơi vào cảnh rất khó khăn khi nhiều khoản vay được cấp bảo lãnh bằng yen Nhật hay các ngoại tệ khác được tính dựa trên các cặp tỷ giá chéo yen Nhật/euro hay yen Nhật/USD. Đơn cử như Công ty xi măng Bỉm Sơn cũng phải trích lập 27 tỉ đồng cho khoản vay 37,6 triệu euro. Con số trích lập của Công ty xi măng Hà Tiên cho khoản vay 65 triệu euro là 46,6 tỉ đồng.
Siết chặt các khoản vay
Ngoài các khoản cấp bảo lãnh, hiện nhiều hợp đồng vay song phương và đa phương vừa ký kết còn chưa khô mực khiến nợ công của VN chịu áp lực rất lớn. Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) ký các hiệp định hỗ trợ vốn vay ODA với tổng giá trị 95,167 tỉ yen cho 4 dự án hạ tầng lớn của VN. Các khoản vay ODA giúp VN xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế thiết yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy cải thiện môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu. 4 dự án sử dụng vốn vay ODA được ký kết là: Xây dựng đường cao tốc bắc - nam, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi (30 tỉ yen); xây dựng kết cấu hạ tầng cảng Lạch Huyện (32,287 tỉ yen); xây dựng phần cầu và đường dẫn cảng Lạch Huyện (22,880 tỉ yen); chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (10 tỉ yen).
Đánh giá về diễn biến nợ công trước cơn bão tăng giá của yen Nhật, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm cho rằng nợ nước ngoài của VN khá đa dạng về cơ cấu tiền vay. Về lý thuyết, cơ cấu đa dạng có thể hạn chế rủi ro về tỷ giá, giảm áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ cấu này cũng tiềm ẩn những rủi ro khi có biến động trên thị trường tài chính thế giới. Đặc biệt, VN chịu thêm rủi ro tỷ giá yen Nhật rất lớn vì Nhật Bản cung cấp nhiều nhất vốn ODA cho VN.
Vẫn theo chuyên gia này, bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng phải vay vốn để đầu tư, nhưng dòng vốn đó phải được quản lý một cách có hiệu quả, đặc biệt đối với các khoản bảo lãnh cho DN nhà nước. “DN làm ăn thua lỗ thì Chính phủ bảo lãnh phải trả nợ thay. Do đó, để giảm thiểu tác động đến nợ công do biến động tỷ giá, phải siết lại các khoản vay đã cấp và bảo lãnh cho DN. Phải kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ”, TS Kiêm đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.