‘Lô cốt’ tràn vào trung tâm

29/05/2015 08:35 GMT+7

Theo kế hoạch thi công đào đường của các công trình có quy mô lớn vừa được Sở GTVT TP.HCM công bố, từ nay đến cuối năm 2015 trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực trung tâm, sẽ mọc lên rất nhiều 'lô cốt', gây lo ngại tình trạng kẹt xe nghiêm trọng sẽ tái hiện.

Theo kế hoạch thi công đào đường của các công trình có quy mô lớn vừa được Sở GTVT TP.HCM công bố, từ nay đến cuối năm 2015 trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực trung tâm, sẽ mọc lên rất nhiều “lô cốt”, gây lo ngại tình trạng kẹt xe nghiêm trọng sẽ tái hiện.

“Lô cốt” ở trung tâm TP.HCM ngày 25.5.2015
“Lô cốt” ở trung tâm TP.HCM ngày 25.5.2015 - 2 “Lô cốt” ở trung tâm TP.HCM ngày 25.5.2015 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Theo Sở GTVT, tại khu vực trung tâm Q.1, để thi công gói thầu CP1b thuộc dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, do khối lượng công việc năm 2014 chưa hoàn thành và tiếp tục chuyển sang năm 2015, nên hiện “lô cốt”  chiếm gần như toàn bộ bề ngang đoạn đường Lê Lợi với chiều dài 190 m, ngang 30 m. “Lô cốt” này tồn tại đến tháng 12.2015.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, để hạn chế phần nào ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tránh đào đường nhiều lần trên cùng vị trí, sở yêu cầu các chủ đầu tư chủ động phối hợp, liên hệ với những đơn vị quản lý đường bộ để xây dựng phương án thi công đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thoát nước có cải tạo mặt đường, vỉa hè. Sở GTVT chỉ cấp phép thi công khi nhận được phương án phối hợp đồng bộ đối với công trình trên cùng phạm vi. UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra đào đường, tái lập nhiều lần trên cùng vị trí.

Cũng để thi công dự án trên, từ tháng 6.2015 đến hết năm 2015, “lô cốt” với 55 m chiều dài và 6 m chiều ngang sẽ xuất hiện trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, Q.1. Việc đi lại và buôn bán của người dân sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng bất lợi.

Thêm nhiều “lô cốt khủng”

Cũng tại Q.1, để xây dựng tuyến cống bao nhánh đường Đề Thám - Cô Bắc - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học, từ tháng 4 - 12.2015 xuất hiện 4 “lô cốt” trên 4 tuyến đường trên với chiều dài lần lượt mỗi cái là 145 m, 214 m, 201 m, 24 m; bề ngang 2 m. Theo ghi nhận của Thanh Niên, những ngày qua khu vực này thường xuyên bị ùn ứ giao thông, khiến người đi đường rất bức xúc. Ngay cả đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.1 được hoàn thành chưa bao lâu nhưng từ tháng 6.2015 - 1.2016 sẽ mọc lên “lô cốt” dài 30 m, rộng 2,7 m để phục vụ thi công di dời tuyến cáp điện ngầm 220 kV băng kênh Bến Nghé.

Còn tại trung tâm Q.3, Tổng công ty (TCT) cấp nước Sài Gòn cùng các đơn vị trực thuộc từ nay đến cuối năm 2015 và quý 1/2016 sẽ thực hiện ít nhất 6 dự án đào đường sửa chữa ống mục và ống cấp 2 với quy mô lớn. Theo đó, hàng loạt “lô cốt” quy mô cực lớn sẽ mọc lên tại các tuyến đường trung tâm Q.3 như Trần Quốc Thảo (từ Võ Thị Sáu đến Lê Văn Sỹ, dài 637 m, rộng 1,1 m), Pasteur (từ Trần Quốc Toản đến Võ Văn Tần, dài gần 1 km, rộng 1,6 m), Trần Quốc Toản (từ Hai Bà Trưng đến Pasteur, dài 275 m, rộng 1,6 m), Hai Bà Trưng (từ Trần Quốc Toản đến cầu Kiệu, dài 408 m, rộng 1,6 m), Pasteur (từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Võ Văn Tần, dài 160 m, rộng 1,6 m), Võ Văn Tần - Nguyễn Thị Minh Khai (từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến ngã sáu Cộng Hòa, dài đến 2.700 m, rộng 1,2 m).

Ngoài ra, từ nay đến đầu tháng 12.2015 hàng loạt “lô cốt” quy mô lớn dự kiến tràn sang Q.4 và Q.7 gây lo ngại gia tăng nạn kẹt xe vốn đang nóng tại những khu vực này. Chẳng hạn, đường Nguyễn Tất Thành sẽ có cái dài 698 m, rộng 1,5 m từ ngã ba Kênh đến đường Huỳnh Tấn Phát để phục vụ công trình sửa chữa tuyến ống cấp nước D600 do Ban Quản lý dự án cấp nước thuộc TCT cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư. Ngoài ra, đường Xóm Chiếu sắp xuất hiện “lô cốt” dài 715 m, rộng 1,2 m kéo dài từ Nguyễn Tất Thành đến Tôn Thất Thuyết, phục vụ công trình sửa chữa ống mục cấp 2 dẫn nước từ Nhà máy BOO Thủ Đức.

Tại Q.7, nhiều “lô cốt” đang và sắp mọc lên để phục vụ công trình sửa chữa lớn các đường Lê Văn Lương (dài 1,1 km, rộng 7 m), Lâm Văn Bền (dài 700 m, rộng 7 m), Lý Phục Man (dài 850 m, rộng 7 m); sửa chữa đường Trần Xuân Soạn (dài 1.500 m, rộng 8 m); sửa chữa đường vòng dưới dạ cầu Rạch Ông. Chủ đầu tư các công trình này là Khu quản lý giao thông đô thị (GTĐT) số 4, thuộc Sở GTVT.

Tại đường Trần Não (Q.2), ngày 25.5, Thanh Niên ghi nhận có gần 10 “lô cốt” vừa xuất hiện dọc theo tuyến đường hướng từ cầu Sài Gòn đến đường Lương Định Của. Do các “lô cốt” chiếm hơn 1/2 bề ngang một bên đường nên các phương tiện còn lại phải chen nhau lưu thông, chỉ còn một làn cho ô tô. Vào những giờ cao điểm, ùn ứ giao thông cục bộ xảy ra, xe cộ nhích từng chút.


Xe cộ di chuyển khó khăn ở khu vực có lô cốt tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học (Q.1) - Ảnh Đình Tuyên

Nhiều nhà thầu đào “chui”

Mặt khác, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM ngày 25.5 đã báo cáo kết quả kiểm tra thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP từ ngày 8.5 đến 22.5. Theo đó, TP.HCM hiện có 67 rào chắn trên đường bộ, phục vụ thi công các công trình trên 25 tuyến đường. Qua kiểm tra, cơ quan này đã xử phạt hành chính 25 nhà thầu với số tiền 170 triệu đồng, nhắc nhở 51 trường hợp. Các nhà thầu để xảy ra hàng loạt vi phạm như không tái lập mặt đường như quy định; thi công không giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không bố trí người điều tiết, hướng dẫn giao thông...

Nhiều nhà thầu thi công không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn như: Công ty TNHH xây dựng điện thương mại Phương Đông thi công ngầm hóa lưới điện trung hạ thế - viễn thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 do Công ty điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư; Công ty CP xây dựng Phước Thành thi công đào vỉa hè đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh do Công ty CP SSG Văn Thánh làm chủ đầu tư; Công ty TNHH MTV xây dựng Trọng Nghĩa thi công di dời hệ thống chiếu sáng trên đường Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp do Khu quản lý GTĐT số 3 làm chủ đầu tư. Các nhà thầu này đã bị phạt hành chính và đình chỉ thi công.

Nhiều nhà thầu dù đã bị thanh tra nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không chấp hành nên bị xử phạt như: Công ty CP cấp nước Bến Thành, Công ty TNHH MTV công trình GTCC (2 biên bản), Công ty TNHH MTV công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH XDTM Tân Quốc Việt (3 biên bản), Công ty TNHH xây dựng điện thương mại Phương Đông (3 biên bản), Công ty CP cấp nước Nhà Bè, Công ty dịch vụ công ích Q.1, Công ty CP xây lắp thủy sản II...

Đặc biệt, ngày 19.5, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với Khu quản lý GTĐT số 1 tiến hành đào kiểm tra chất lượng tái lập các phui đào sửa chữa, khắc phục sự cố điện lực và phui đào lắp đặt điện cho nhà vệ sinh công cộng tại công viên 23 Tháng 9 (Q.1). Công trình do Công ty điện lực Sài Gòn làm chủ đầu tư, Công ty TNHH xây dựng tư vấn Thiên Anh thi công. Kết quả phát hiện thi công tái lập phui đào không đúng chiều dày các lớp kết cấu theo quy định. Công ty Thiên Anh bị phạt 25 triệu đồng.

Nhà thầu lờn thuốc

Tình trạng thi công đào đường cẩu thả vẫn liên tục xảy ra từ năm này sang năm khác, thậm chí có chiều hướng gia tăng cho dù cơ quan thanh tra vẫn không ngừng kiểm tra, xử phạt. Đáng lưu ý, nhiều năm qua, các báo cáo kết quả kiểm tra thi công công trình thiết yếu vẫn lặp đi, lặp lại điệp khúc: “nhiều nhà thầu, đơn vị thi công vẫn không chấp hành các quy định về an toàn thi công trên đường bộ...”.

Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, biện minh: “Thẩm quyền chúng tôi có hạn. Và đã dùng nhiều biện pháp, trong đó có tham mưu lãnh đạo Sở không cấp giấy phép thi công. Thế nhưng, ngay cả với biện pháp này, một số nhà thầu hiện vẫn chây ì. Nhiều nhà thầu thậm chí không đóng phạt, như nhà thầu Obayashi. Có lẽ việc “lên gân” của các cấp chưa đủ mạnh nên các nhà thầu vẫn chây ì”. Theo ông Nguyễn Bật Hận, nhà thầu đã lờn thuốc. Về mức phạt hiện nay, ông Hận cho biết nhiều hành vi có mức phạt không hề nhẹ. Chẳng hạn, thi công thiếu biển báo rào chắn, không thực hiện theo phương án thi công thì nhà thầu bị phạt 25 triệu đồng (trước đây hành vi trên chỉ bị phạt 2 triệu đồng). Tuy nhiên, rất nhiều nhà thầu là những doanh nghiệp lớn không chịu đóng phạt.

Thi công metro nhưng giấy phép hết hạn

Quá trình thi công xây dựng rào chắn trên các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và vòng xoay Cây Liễu (Q.1) thuộc công trình ga Nhà hát TP thuộc dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, cũng xảy ra các vi phạm dù đã được khắc phục. Tuy nhiên, giấy phép thi công đã hết hạn từ ngày 28.4 nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa gia hạn. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, liên danh nhà thầu Shimizu - Meada.


 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.