LG Electronics Việt Nam bị tạm đình chỉ chế độ ưu tiên về hải quan

11/06/2021 19:06 GMT+7

Theo quyết định của Tổng cục Hải quan , Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam (Hải Phòng) bị tạm đình chỉ áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong thời gian 2 tháng do không thực hiện đúng luật Hải quan.

Lý do LG Electronics Việt Nam bị tạm đình chỉ do không thực hiện đúng trách nhiệm của doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Điều 45 luật Hải quan. Cụ thể, theo Điều 45 của luật này, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên cần thực hiện định kỳ hằng năm cung cấp cho cơ quan hải quan báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính; chấp hành các quy định về kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan; thông báo cho cơ quan hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp.
Trong thời gian tạm đình chỉ, nếu công ty khắc phục các tồn tại đã được chỉ ra, Tổng cục Hải quan sẽ hủy quyết định tạm đình chỉ để doanh nghiệp được áp dụng lại chế độ ưu tiên như trước. Năm 2017, lần đầu tiên LG Electronics Việt Nam Hải Phòng được công nhận doanh nghiệp ưu tiên.
Cùng thời điểm, Tổng cục Hải quan có quyết định công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan cho Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (Hà Nội). Đây là doanh nghiệp thứ 71 đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên tại Việt Nam. Panasonic Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên giữ vai trò công ty chủ quản tại Việt Nam. Hiện, Tập đoàn Panasonic tại Việt Nam gồm 8 công ty bao gồm: Panasonic Việt Nam và bộ phận kinh doanh trực thuộc Panasonic Sales Việt Nam (PSV), Trung tâm nghiên cứu và phát triển (PRDCV), năm công ty sản xuất bao gồm Panasonic AVC Networks Việt Nam (PAVCV), Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN), Panasonic System Networks Việt Nam (PSNV), Panasonic Industrial Devices Việt Nam (PIDVN), Panasonic Life Solutions Việt Nam (PLSVN) và công ty bảo hiểm Panasonic Insurance Service Việt Nam (PISVN).
Trước đó, năm 2015, Công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (thuộc Panasonic Việt Nam) chuyên sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử viễn thông chất lượng cao và thân thiện với môi trường bao gồm điện thoại mẹ con, điện thoại cửa, thiết bị thanh toán đầu cuối được công nhận doanh nghiệp ưu tiên và vừa được Tổng cục Hải quan gia hạn áp dụng chế độ ưu tiên trong tháng 5.2021.
Trong tháng 6, Tổng cục Hải quan cũng có quyết định gia hạn chế độ ưu tiên cho một hải quan cho một số doanh nghiệp nước ngoài khác như: Công ty TNHH Sonion Việt Nam của Đan Mạch (TP.HCM) với thời gian ưu tiên 3 năm. Sonion Việt Nam được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2015, chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bán thành phẩm của máy trợ thính. Trước đó nữa là quyết định gia hạn ưu tiên cho Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam - Vedan Việt Nam (Đồng Nai), công ty này được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2015 chuyên sản xuất bột ngọt, tinh bột biến tính.
Theo quy định tại Thông tư 72/2015 của Bộ Tài chính, một trong những điều kiện để được xem xét, công nhận doanh nghiệp ưu tiên liên quan đến kim ngạch xuất nhập khẩu, với các mức: doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 triệu USD/năm trở lên; doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam từ 40 triệu USD/năm trở lên; doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản sản xuất hoặc nuôi, trồng tại Việt Nam từ 30 triệu USD/năm trở lên…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.