Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực phát triển

Chí Hiếu
Chí Hiếu
06/06/2020 08:28 GMT+7

Ngày 5.6, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tổ chức hội nghị hỗ trợ DN nhỏ và vừa với tiêu đề: “Tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng để tận dụng tối đa các cơ hội do Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách.
Làm rõ hơn điều này, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ví dụ: “Ta hay nói dệt may là cơ hội lớn nhất, nhưng nếu các DN dệt may không giải quyết câu chuyện nguồn gốc vải bằng cách liên kết với các nhà sản xuất trong nước hay các nước mà EU cho phép cộng gộp, thì 2 năm sau, khi hết ưu đãi, chúng ta sẽ vô cùng khó khăn”. Nên DN phải lấy sức ép cạnh tranh làm động lực thay đổi tư duy, để phát triển.
Trong khi đó, đại diện Hội DN nhỏ và vừa TP.HCM cho rằng dù các sản phẩm đồ gỗ, mỹ nghệ của TP đang bán tốt vào EU, nhưng chi phí đưa hàng sang lục địa này vẫn chiếm quá lớn, nên hiệu quả chưa cao.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thừa nhận chi phí xúc tiến thương mại vào EU đang vào dạng cao nhất thế giới, đòi hỏi có bài bản quy trình với những quy cách đã có sẵn cả trăm năm. Bên cạnh đó, ông Phú lưu ý thêm một phần lớn “thị trường ngách” ở các quốc gia Nam Âu, Đông Âu vẫn là cơ hội rất lớn để DN nội thâm nhập.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận xúc tiến thương mại trực tuyến đang là xu hướng, đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tiếp tục sẽ là chiến lược của ngành công thương. “Chúng ta đang hợp tác rất tốt với Amazon, Alibaba, sắp tới là Google, để đưa hàng lên mạng”, ông Tuấn Anh nói và đề xuất thêm: “Chúng ta đang quyết tâm làm bằng được và tới đây sẽ ra mắt trung tâm dữ liệu cho một số ngành công nghiệp mà nói thật là phải mất 2 đời bộ trưởng rồi mới ra được”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.