Lập 7 tổ giám sát đặc biệt với Vietjet Air

Mai Hà
Mai Hà
28/12/2018 07:01 GMT+7

Sáng qua 27.12, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã họp khẩn với Cục Hàng không VN, Vietjet Air và các đơn vị liên quan đến các sự cố hàng không liên tiếp gần đây.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, chỉ trong quý 4/2018, đã xảy ra 7 sự cố khai thác máy bay của Vietjet Air, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật máy bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.

Lỗi do phi công

Hôm qua, Bộ trưởng GTVT đã có chỉ thị đảm bảo an toàn, an ninh hàng không, yêu cầu áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Hãng hàng không Vietjet Air; đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh. Thực hiện các giải pháp cần thiết đối với Hãng hàng không Vietjet Air để giảm tối đa các rủi ro có nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không, ngăn ngừa các sự cố tương tự xảy ra trong khai thác máy bay.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, về sự cố máy bay Vietjet Air rơi bánh lái khi hạ cánh tại sân bay Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) do tổ lái đã tiếp đất không theo phương thức chuẩn.
Về sự cố máy bay hạ cánh nhầm đường băng chưa đưa vào khai thác ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), ông Thắng cho biết, khi máy bay Vietjet vừa cất cánh thì có cảnh báo sụt giảm áp suất càng trước, tổ lái đã xin hạ cánh. Trong trường hợp này, phương án tốt nhất là nên bay về Tân Sơn Nhất vì cách nhau không quá xa, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng lại tốt hơn. Khi tổ lái quyết định hạ cánh trở lại sân bay Cam Ranh thì đã bay vòng chờ trên khu vực đài chỉ huy không lưu để đánh giá sự cố. Trong quá trình bay chờ, tổ lái không tham vấn ý kiến dưới mặt đất mà tự đánh giá và quyết định, do đó đã không đánh giá đúng tình huống.
Trong quá trình hạ cánh, cơ trưởng (người Philippines đã có 11.000 giờ bay, công tác tại Vietjet Air 1 năm rưỡi) lại quá chú trọng vào buồng lái mà không quan sát, để tâm vào việc tiếp đất. Thêm vào là yếu tố tác động tâm lý nên có thể đã đáp nhầm đường băng.
Về hai sự cố máy bay phải quay đầu ở Nội Bài (sáng 26.12) và hạ cánh khẩn xuống sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Bắc, Đài Loan ngày 25.12), ông Thắng cho rằng lỗi không thuộc về tổ lái cũng như kiểm soát viên không lưu. Bởi trong những tình huống này, tổ lái đã có quyết định đúng.
Cục Hàng không VN đã thành lập 7 tổ giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, thời gian từ ngày 28.12.2018 đến hết ngày 15.1.2019. Nếu trong thời gian này, Vietjet Air không đáp ứng được thì Cục sẽ chuyển sang giám sát đặc biệt giai đoạn 2, trong đó có thể cắt chuyến nếu cần thiết. Nếu Vietjet Air đáp ứng được yêu cầu thì Cục sẽ dỡ bỏ lệnh giám sát này.
Tại cuộc họp, đại diện Vietjet Air cho biết, công tác an toàn đã được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý và năm, tuy nhiên thời gian gần đây trong hoạt động khai thác đã để xảy ra các sự cố. Vietjet Air đã cử đại diện phối hợp với tổ điều tra của Cục và nhà chế tạo Airbus để hỗ trợ kỹ thuật và tham gia công tác điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu; đồng thời đình chỉ khai thác đối với người lái và người phụ trách khai thác bay để phục vụ công tác điều tra. Hãng đã thành lập tổ điều tra nội bộ, thu thập hồ sơ tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Rà soát lại toàn bộ từ máy bay đến con người

Khẳng định an toàn là trên hết, phải được đảm bảo tuyệt đối không vì lợi nhuận hay kế hoạch khai thác của bất kỳ hãng nào, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ, từ máy bay tới con người và quá trình giám sát. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không phải rà soát lại lực lượng phi công, nhất là phi công nước ngoài vốn không hiểu về địa hình đặc thù của VN, sẽ rất nguy hiểm đến an toàn bay. Ngoài ra, phải rà soát cả nhân viên kỹ thuật, bởi sự cố máy bay cũng có thể do lỗi chủ quan của nhân viên kỹ thuật, năng lực kém nên không phát hiện ra lỗi, vẫn cho máy bay vào khai thác.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải xem lại chế độ làm việc của phi công, bởi ông nghe thông tin chế độ làm việc của tổ lái quá cao, cường độ làm việc lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước mắt sẽ không tăng chuyến bay đối với Vietjet Air, trường hợp đặc biệt báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định. "Tất cả sự cố xảy ra gần đây sớm phải có kết luận cuối cùng công bố rộng rãi, công khai cho người dân giám sát, chọn lựa, có xử lý kỷ luật với các đối tượng có liên quan", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
Liên quan đến vận chuyển dịp Tết Nguyên đán 2019, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phải giảm tình trạng chậm hủy chuyến bay, nếu hãng nào vi phạm nhiều sẽ thu hồi slot, cấp cho hãng khác làm tốt hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.