Lãng phí tài nguyên du lịch: Nghịch lý du lịch lễ hội

22/02/2010 23:29 GMT+7

Mỏ vàng" chưa được khai thác Lễ, hội ở nhiều nước trên thế giới thực sự là "mỏ vàng" cho ngành du lịch. Có những lễ hội đã được quốc tế hóa, được tổ chức ở nhiều nước và đưa hình ảnh quốc gia đó đi khắp nơi. Có thể kể ra như Lễ hội Hóa trang (Carnival) và Lễ hội Bia (Oktoberfest) của người Đức. Đây là những sự kiện hấp dẫn, thu hút du khách từ khắp thế giới qua cách tổ chức và quảng bá đầy chuyên nghiệp.

Tại các nước và vùng lãnh thổ láng giềng của Việt Nam cũng có hàng loạt lễ, hội nổi tiếng như Lễ đón Giáng sinh tại Singapore, Lễ hội Té nước của người Thái...

Theo thống kê, VN hiện có khoảng 500 lễ hội lớn nhỏ được tổ chức hằng năm tại các địa phương trong cả nước. Chỉ riêng trong thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 (dương lịch) hằng năm, thời gian chính của mùa du lịch quốc tế, và gắn liền với Tết Nguyên đán là hàng loạt các lễ hội đậm chất văn hóa Việt như Hội chợ Viềng (Nam Định), Chợ m Dương và Hội Lim (Bắc Ninh), Hội vật Liễu Đôi (Hà Nam), Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội), Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Hội đầm Ô Loan (Phú Yên)... Đặc biệt, rất nhiều người nước ngoài thực sự thích các nghi lễ ấm cúng của Tết cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các lễ, hội và ngay cả Tết Nguyên đán của ta vẫn chưa thu hút được du khách.

Thông tin từ một số hãng lữ hành trong nước cho biết, dù hằng năm họ đều nỗ lực quảng bá tour Tết nhưng lượng khách quốc tế vẫn luôn thấp. Nếu có, cũng chỉ là những du khách đi tour thường kỳ theo kế hoạch. Nguyên nhân là do du khách và ngay cả những nhà làm tour trong và ngoài nước đều ngán ngại cảnh trước Tết thì đông nghẹt, phương tiện vận chuyển thiếu, trong Tết thì đi đâu cũng đóng cửa và dịch vụ không đảm bảo chất lượng.

Thiếu chuyên nghiệp trong quảng bá

Một viên chức ngoại giao của một nước châu u mới nhận nhiệm sở tại TP.HCM, lần đầu tiên được đón Tết Việt kể, theo chương trình do một người bạn VN "thiết kế", anh sẽ có chuyến lênh đênh bằng ghe trên sông nước miền Tây, ngắm những vườn hoa bạt ngàn ở Sa Đéc, Bến Tre; tham gia cúng ông Táo với một gia đình nông dân miền Tây Nam Bộ, rồi lang thang vùng châu thổ sông Hồng, tham gia vào không khí hối hả và hít thở không khí Tết Việt tại những ngôi làng cổ ở Sủi và Đường Lâm; cùng đi tảo mộ, gói bánh chưng, sên mứt; mua hoa chọn đào, đi chùa lễ Phật... Nghe chương trình, anh "sướng mê" và "ok" liên hồi. Gặp anh ở đường hoa Nguyễn Huệ (TP.HCM) chiều mùng 3 Tết, anh tâm sự, chưa ở đâu trong số những nước mà anh đã sống cho anh cảm nhận một cái Tết thấm đẫm "tinh hoa văn hóa" của một dân tộc như ở Việt Nam dịp Tết này. Đặc biệt, việc được đón nhận một cách hết sức tự nhiên và nồng ấm trong nền văn hóa của người dân Việt Nam khiến anh thực sự cảm động....

Vấn đề đặt ra là, chúng ta có sản phẩm nhưng lại chưa tận dụng và khai thác được. Lấy ví dụ như tour Tết của các công ty đều na ná nhau, thiếu tính hấp dẫn để có thể cạnh tranh và thường mang tính cục bộ địa phương. Đáng nói nhất là khâu quảng bá, giới thiệu thì quá tệ. Có thể nói, không thể tìm thấy một chương trình quảng bá mang tính chuyên nghiệp nào (chưa nói là mang tính quốc gia!) về lễ hội ý nghĩa nhất này của người Việt trên "sàn" du lịch quốc tế. Như vậy làm sao Tết Việt cạnh tranh được với những sản phẩm du lịch cũng mang chuyên đề Tết/năm mới như của Trung Quốc, Hồng Kông...

Xây dựng sản phẩm "đinh"

Bên cạnh du khách nước ngoài, một nguồn khách cực lớn từ Việt kiều về quê ăn Tết mỗi năm một gia tăng. Đa số họ là những người coi trọng giá trị văn hóa quê hương, mong muốn những trải nghiệm mà họ đã có ở tuổi ấu thơ nơi đất mẹ. Chưa kể hàng trăm ngàn người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại VN... cũng đang bị bỏ quên mỗi dịp Tết.

Điều này dẫn đến nghịch lý trớ trêu là chúng ta tốn tiền tỉ để tổ chức các lễ hội gắn với Tết nhưng không thu hút được du khách nước ngoài. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ người Việt cũng không quan tâm. Họ mang tiền "ủng hộ" cho ngành du lịch nước khác bằng cách ra nước ngoài du xuân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách Việt ra nước ngoài chơi Tết tăng 20% trong mùa Tết 2010, trong khi không thu hút được bao nhiêu du khách nước ngoài tới VN.

Có lễ, hội; có bản sắc văn hóa riêng, hấp dẫn; không thiếu phong cảnh và bãi biển đẹp; hệ thống khách sạn 5 sao, dịch vụ trải khắp nơi trên cả nước... Và đặc biệt, con người VN hồn hậu, mến khách, với những phong tục tập quán đặc sắc... Chúng ta có đầy đủ điều kiện để khai thác mỏ vàng từ du lịch lễ hội. Vấn đề còn lại là những sản phẩm hoàn chỉnh, cụ thể để chào hàng du khách; một kế hoạch quảng bá chuyên nghiệp trên thị trường quốc tế; một sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, các doanh nghiệp... có liên quan để tạo ra một tour Tết hay lễ, hội đặc sắc. Từ đó, xây dựng thành sản phẩm "đinh" của du lịch VN.

Chưa xứng tầm

Có hai loại lễ hội ở miền Bắc, một là các lễ hội do Nhà nước tổ chức mà có người gọi là lễ hội kiểu mậu dịch như Hội Lim ở Bắc Ninh hay Hội Chọi trâu ở TP Hải Phòng. Các lễ hội này nói chung không tạo ra lợi nhuận cho nhà tổ chức mà chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa.

Có những lễ hội cực lớn, như Hội chùa Hương vừa khai mạc ngày mùng 6 Tết vừa rồi cũng không tạo ra lợi nhuận cho ngân sách. Mỗi mùa hội, có khoảng hơn 1 triệu lượt khách về trẩy hội chùa Hương, tiền vé thu được khoảng gần 40 tỉ đồng nhưng đều chi phí hết cho công tác tổ chức, nếu còn thừa thì huyện Mỹ Đức xin để tái đầu tư.


Du khách kẹt cứng trên đường lên chùa Hương - Ảnh: Lưu Quang Phồ


Chùa Hương là lễ hội cấp quốc gia, song lại do UBND huyện Mỹ Đức tổ chức, nên không hợp lý vì huyện chưa đủ sức, dẫn đến tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, từ thu vé, bán vé, giữ xe, chở đò, cho tới tổ chức dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự. Có lẽ việc này phải do UBND TP Hà Nội đứng ra làm mới đảm bảo tương xứng với tầm cỡ và quy mô của một lễ hội lớn và kéo dài nhất nước.

Lưu Quang Phổ

Trần Thùy Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.