Làng nghề bỏ hoang, người dân chật vật

Khánh Hoan
Khánh Hoan
27/05/2020 08:11 GMT+7

Hơn 200 lò ngói của làng Cừa nổi tiếng ở Nghệ An phải xóa sổ, 1.500 lao động mất việc, đất bỏ hoang vì dự án sản xuất gạch, ngói công nghệ cao thay thế lò thủ công chưa được xây dựng, do mâu thuẫn nội bộ.

Vang bóng một thời

Làng nghề ngói Cừa ra đời từ hơn 30 năm trước, khi một số người ở tỉnh Hải Dương vào làng Cừa (xã Nghĩa Hoàn, H.Tân Kỳ, Nghệ An) làm ăn, phát hiện ở đây có nguồn đất sét rất tốt để làm ngói.
Ban đầu, chỉ vài cái lò, sau đó, nhiều người dân ở làng Cừa cũng dựng lò, làm ngói. Đến năm 2010, làng nghề này quy tụ 125 gia đình trong xã Nghĩa Hoàn sản xuất ngói lợp với hơn 200 lò thủ công, sản lượng mỗi năm từ 150 - 200 triệu viên.
Nguồn đất sét dồi dào, dẻo mịn, đen tuyền của vùng đất này đã tạo cho ngói Cừa có màu sắc đẹp và bền. Người dân làng nghề ngói Cừa khẳng định, ngói lợp nhà xong, đi trên mái ngói không bị vỡ. Ngói Cừa đã thống trị được thị trường ở các tỉnh lân cận và sang tận Lào.
Ông Lê Văn Lương, người dân làng nghề ngói Cừa, cho biết mỗi lò ngói đầu tư khoảng 50 triệu đồng, mỗi năm cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Nhờ ngói Cừa, nhiều gia đình ở đây xây được nhà lầu, tậu được xe ô tô. Thương hiệu ngói Cừa đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2007.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn, cho hay năm 2010, kỷ niệm 5 năm thành lập HTX Ngói Cừa, có khoảng 60 chiếc xe ô tô con của người dân làng nghề nối đuôi nhau diễu hành trên đường. “Nghề làm ngói đã tạo công ăn việc làm cho 1.500 người, tạo nguồn thu mỗi năm hơn 100 tỉ đồng, là niềm tự hào và luôn đứng vị trí số 1 trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của của xã và của huyện”, ông Hưng nói.
Nhưng rồi, do thực hiện chủ trương xóa lò gạch, ngói thủ công của Chính phủ, năm 2017, các lò ngói ở làng nghề ngói Cừa phải dừng hoạt động. Từ đó đến nay, hàng trăm lò ngói và những giàn phơi bị bỏ hoang giữa đồng vì người dân không muốn phá bỏ.

Tương lai mịt mù

Năm 2013, trước khi xóa lò thủ công, để giữ thương hiệu ngói Cừa, có 53 gia đình trong làng nghề này góp vốn, mỗi hộ 200 triệu đồng để lắp đặt dây chuyền sản xuất phôi công nghệ mới. Những tưởng, dự án “nối dõi” làng nghề này sẽ giúp người dân nơi đây giữ được thương hiệu ngói Cừa khi xóa bỏ các lò thủ công, thế nhưng, mâu thuẫn nội bộ xảy ra và kéo dài từ đó đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết, sau khi 53 hộ dân góp vốn, lập một HTX riêng để chuyển đổi từ lò thủ công sang dây chuyền sản xuất phôi công nghệ mới thì các hộ còn lại là xã viên của HTX cũ cũng xây dựng một dự án sản xuất gạch ngói công nghệ cao. Mâu thuẫn đã xảy ra khi 2 bên giành nhau vị trí đất thuận lợi trong cụm công nghiệp làng nghề để xây nhà máy. Chính quyền xã và huyện đứng ra làm trọng tài, vận động và sau đó xã viên hai bên đồng ý sáp nhập 2 HTX làm một.
Tuy nhiên, sóng gió vẫn chưa yên. Do mâu thuẫn nội bộ giữa xã viên và hội đồng quản trị HTX, nên dự án nhà máy gạch ngói công nghệ cao vẫn chỉ nằm trên giấy. Tháng 4.2019, HTX làm lễ động thổ để xây dựng nhà máy thì vấp phải sự phải đối của một số xã viên nên lễ động thổ không thành. Theo các xã viên này, họ bất bình với những khuất tất của hội đồng quản trị HTX khi chưa minh bạch về tài chính, đề án hoạt động, việc thu chi vốn điều lệ…
Ông Hưng cũng cho biết, từ khi xảy ra mâu thuẫn đến nay, xã và huyện đã tổ chức hàng chục cuộc họp, cuộc làm việc với HTX này để hòa giải, tìm tiếng nói chung, nhưng vẫn chưa thể. Trong khi đó, nhiều người góp vốn từ năm 2013 do bức xúc đã phải bán tháo để rút vốn.
Ông Võ Văn Cầu, một người gắn bó với từ nhiều năm nay với làng nghề ngói Cừa, cho biết ông và nhiều người dân ở đây rất muốn giữ làng nghề để tạo công ăn việc làm và thu nhập. “Nó như máu thịt của chúng tôi, nhưng rất tiếc sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương và sự thiếu minh bạch của hội đồng quản trị HTX đã khiến làng nghề rã đám. Chúng tôi yêu cầu kiện toàn lại hội đồng quản trị HTX để tập hợp xã viên, tạo dựng lại làng nghề, nhưng không được đáp ứng”, ông Cầu nói.
Hàng trăm lò ngói thủ công phải xóa bỏ, hơn 1.500 người mất việc, cuộc sống của người dân làng nghề từ chỗ khá giả trở nên khó khăn, chật vật. Trong khi đó, 49 ha đất quy hoạch làng nghề và cụm công nghiệp để thay thế lò ngói thủ công đang bỏ hoang nhiều năm nay. “Những người còn trẻ thì bỏ quê đi làm thuê, những người trên 45 tuổi không đi được, ở lại cũng rất khó xoay xở để tìm kiếm công việc khác. Chúng tôi rất buồn và bức xúc khi làng nghề bị tan rã”, bà Nguyễn Thị Mai, một người dân làng nghề ngói Cừa buồn bã nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.