Doanh nghiệp trong nước nên liên kết làm cao tốc Bắc - Nam

07/06/2019 05:00 GMT+7

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể , nhiều đại biểu cho rằng nên huy động sức dân, doanh nghiệp trong nước để đầu tư, xây dựng cao tốc Bắc - Nam.

Các đại biểu cho rằng dự án cao tốc Bắc - Nam phải là công trình tiêu biểu của các thế hệ hiện nay để lại cho con cháu hàng trăm năm sau, do đó, con đường này cần phải là một dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là bảo đảm về an ninh, quốc phòng.
Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp (DN) VN và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại. Khi đó sẽ giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài.

Liên kết tạo nguồn lực

Nhìn nhận vấn đề, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng hiện nay với tiềm lực về kinh tế, năng lực triển khai thì các DN tư nhân VN đủ sức làm đường bộ, đường cao tốc, đường sắt Bắc - Nam. Nhà nước mạnh dạn giao các công trình trọng điểm trong nước cho DN tư nhân, họ sẽ liên kết với nhau tạo nguồn lực. Và đây cũng chính là nỗ lực vươn lên cho nền kinh tế của đất nước - làm hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường cao tốc Bắc - Nam.
BĐ Phạm Khuyên (TP.HCM) cho rằng: “Phải xem việc cổ động, hỗ trợ tư nhân VN đầu tư vào các dự án lớn này như sách lược cần thiết. Các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup... đã chứng tỏ khả năng xây dựng hạ tầng rất hiệu quả. Hãy can đảm cho công ty VN xây dựng đất nước mình. Làm vậy, không mất thì giờ lo huy động vốn trong dân, không lo nợ công tăng cao, tiền bỏ ra vẫn ở trong nước, dân trong nước có thêm việc làm, nhiều kỹ năng và công nghệ được học hỏi thêm”.
Cùng quan điểm, BĐ Nho Hoàng (Hà Nội) đặt vấn đề: “Tại sao lại chia thành 8 gói thầu mà không chia thành 80 gói thầu? Nếu chia nhỏ các gói thầu thì các DN VN với quy mô vốn nhỏ sẽ có khả năng tham gia được. Với thời gian phân kỳ khoảng 10 năm thì mỗi DN cũng có thể nhận được mấy gói thầu, qua đó cũng trưởng thành lên. Một sự thực là nếu nước ngoài trúng thầu thì rồi cũng DN trong nước thi công mà thôi”.
Theo ước tính, tổng mức đầu tư 11 dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam là 118.000 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia là 55.000 tỉ đồng đầu tư cho 3 dự án đầu tư công, hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình để bảo đảm tính khả thi của các dự án. Để giải quyết bài toán về vốn, BĐ Nguyễn Đỗ Nguyên Minh (TP.HCM) hiến kế: "Sao không bán trái phiếu cao tốc Bắc - Nam để làm đường cao tốc? Ai có vốn góp bằng trái phiếu thì được giảm 50% phí khi đi cao tốc Bắc - Nam hoặc miễn phí luôn hoặc theo một định mức giảm nào đó. Tôi trộm nghĩ các đơn vị vận tải sẽ mua trái phiếu ầm ầm...".
BĐ Trần Quang (Vĩnh Long) cho rằng nếu Bộ GTVT bảo đảm được tính minh bạch (phải có cơ chế dân giám sát mà đại diện dân là các cơ quan báo chí, những nhà khoa học có tâm với đất nước), thì người dân sẽ sẵn sàng mua trái phiếu.
Nhiều BĐ tin rằng nếu nhà nước mạnh dạn giao cho DN tư nhân trong nước làm họ sẽ làm rất hiệu quả, có trách nhiệm rất cao vì đồng tiền bỏ ra đầu tư là tiền từ túi của họ. Quan tâm của họ là làm sao đầu tư này mang lại hiệu quả tốt nhất.
“Theo tôi Chính phủ nên giúp đỡ DN tư nhân để họ phát triển và tiến lên cấp cao như nhiều DN trên thế giới. Tuy nhiên Chính phủ phải kiểm soát, theo dõi và ký kết những điều lệ rất gắt gao và nếu cần hủy hợp đồng ngay nếu làm ăn sai trái và có những hình phạt rất nặng như bồi hoàn, phạt cấm tham gia đấu thầu trong thời gian nào đó...".
 Trọng Giác (TP.HCM)
“Thiết nghĩ DN trong nước càng thành công thì dân giàu nước mạnh.Tại sao không ưu tiên cho DN nước nhà? Nếu chúng ta không tự làm thì mãi phụ thuộc. Các DN trong nước mất đi cơ hội lớn”.
Nguyễn Văn Xứng (TP.HCM)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.