Làng hoa trong đô thị di sản

18/12/2017 12:12 GMT+7

Sa Đéc từ lâu đã nổi tiếng với rực rỡ sắc hoa, với chuyện tình đắm say của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Rồi đây ta sẽ bắt gặp những thâm trầm cũ xưa hòa quyện vào một đô thị hiện đại bên bờ sông Tiền theo quy hoạch mới của tỉnh Đồng Tháp.

Nằm bên bờ sông Tiền, thành phố Sa Đéc hơn 300 năm tuổi có những vườn hoa trái mênh mông. Đây là nơi thu hút du khách trong và ngoài nước tìm về vẻ đẹp nên thơ của miền sông nước, tìm về nét kiến trúc thời thuộc địa và những cánh đồng hoa luôn rực rỡ sắc màu. Giờ đây, Đồng Tháp đang quy hoạch làng hoa Sa Đéc thành đô thị kiểu mẫu mang dấu ấn Pháp xưa. Quyết sách này sẽ làm thay đổi cơ bản diện mạo của đô thị bên bờ sông Tiền.
Đi về phía xanh
Sa Đéc từng được quy hoạch theo hướng công nghiệp - dịch vụ vào năm 2007. Tuy nhiên, theo đồ án quy hoạch mới do hãng tư vấn của Pháp thực hiện, Sa Đéc chuyển dịch theo hướng thương mại - dịch vụ. Chính quyền chủ trương dừng những ngành công nghiệp có tác động tiêu cực đến môi trường, chỉ khuyến khích một số ngành phụ trợ trong chuỗi giá trị hoa. Kinh tế hoa và du lịch được xem như hai động lực phát triển của Sa Đéc.
Ông Lê Hà Luân, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, cho biết: “Người làng hoa giàu kinh nghiệm canh tác. Tỉnh có trung tâm giống với khoảng 3.000 loại. Về thị trường, hoa tươi Sa Đéc đi khắp cả nước thông qua mạng lưới thương lái. Sản lượng xuất khẩu chưa đáng kể, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao như tinh dầu chiết xuất từ hoa cũng còn hạn chế. Tuy nhiên, định hướng của hoa Sa Đéc là thị trường xuất khẩu chính ngạch, tích cực tiếp cận các sàn giao dịch quốc tế”.
Ông Lê Hà Luân cho biết Sa Đéc được quy hoạch theo tiêu chí xanh, hiện đại, hài hòa
Sa Đéc được quy hoạch thành đô thị kiểu mẫu mang dấu ấn xưa, điều này gợi nhớ những di sản kiến trúc thời thuộc địa. Ông Luân cho biết: “Sa Đéc còn nhiều công trình mang kiến trúc Pháp có giá trị; trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân đơn lẻ hay thậm chí cả dãy phố trên đường Nguyễn Huệ cặp bờ sông Tiền. Cách nay mấy năm, phía Pháp có gửi hồ sơ thông báo một số công trình đã hết thời hạn sử dụng, đề nghị gia cố. Một công trình kiến trúc có giá trị còn khá nguyên vẹn là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Chủ nhân ngôi nhà là nguyên mẫu trong cuốn tự truyện Người tình mang về cho Marguerite Duras giải Goncourt năm 1984. Sau khi Người tình lên màn bạc năm 1992, nhà Huỳnh Thủy Lê càng được biết đến nhiều hơn, đặc biệt là với khách Pháp. Những công trình giá trị này là nền tảng để Sa Đéc hướng tới đô thị di sản”.
Năm nhân tố cơ bản trong quy hoạch phát triển thành phố Sa Đéc đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gồm: thành phố hoa, thành phố lịch sử, trung tâm du lịch, thành phố hài hòa, thành phố xanh.
Để làm được điều đó, theo ông Luân, quy hoạch tuân thủ triết lý không bê-tông hóa Sa Đéc. Trong khu đô thị cổ, đồ án quy hoạch hướng tới bảo vệ những kiến trúc có giá trị, hạn chế can thiệp các công trình nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, chính quyền cũng sẽ tiến hành chỉnh trang những khu nhà ở tự phát. Còn khu đô thị mới, đặc biệt là vùng lõi gắn với làng hoa khoảng 600 hécta, mật độ xây dựng cho phép dưới 10%. Những khu vực khác mật độ xây dựng tối đa là 50%.
Trong quy hoạch phát triển, có phương án chia Sa Đéc thành 8 phân khu chức năng: Khu trung tâm đô thị lịch sử; Khu trung tâm đô thị phát triển mới; Khu đô thị đầu mối giao thông - dịch vụ thương mại logistics; Khu đô thị công nghệ xanh; Khu đô thị xanh hỗn hợp mật độ thấp; Khu đô thị nghiên cứu và phát triển nông nghiệp gắn với đầu mối kinh tế nông sản - thực phẩm; Khu đô thị nghiên cứu và sản xuất hoa kiểng gắn với công nghiệp chế biến; Khu đô thị du lịch - Trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế cồn Đông Giang.
Di sản kiến trúc thuộc địa (trong ảnh là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê) là một phần quan trọng trong không gian văn hóa Sa Đéc
Cơ hội và thách thức
Theo ông Lê Hà Luân, có nhiều cơ hội và thách thức trong việc xây dựng một Sa Đéc theo tiêu chí xanh, hiện đại, hài hòa. Khi chưa phê duyệt đồ án quy hoạch mới, tỉnh Đồng Tháp đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho Sa Đéc. Một trong những dự án quan trọng là mở rộng đường Sa Nhiên - Cai Dao chạy xuyên qua làng hoa. Khổ đường cũ khá hẹp, xuống cấp, ô tô không vào được. Khi mới triển khai, người dân phản ứng khá gay gắt do việc mở rộng đường phải lấy một phần đất trồng hoa. Từ khi khánh thành tháng 2.2015, con đường này đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho hoạt động sản xuất của làng hoa. Vận chuyển, lưu thông thuận lợi. Lượng khách du lịch thăm làng hoa tăng vọt. Chưa kể việc nâng cấp hạ tầng giao thông còn làm tăng giá trị đất của làng hoa gấp 4, 5 lần. Hiệu ứng Sa Nhiên - Cai Dao giúp chính quyền vận động nhân dân làm đường dễ dàng hơn. Ý thức bảo vệ giá trị kiến trúc của cư dân phố cổ cũng ngày càng được nâng cao khi họ nhận ra giá trị vô hình của ngôi nhà mà họ đang sở hữu. Phố đi bộ cũng được quy hoạch trong khu đô thị cổ.
Có thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức. Ông Luân nhìn nhận: “Dịch vụ lưu trú hiện là một điểm nghẽn đối với ngành du lịch Đồng Tháp. Tỉnh không thể dùng tiền ngân sách để đầu tư khách sạn. Theo gợi ý của các đơn vị tư vấn, trước mắt địa phương tạo cơ chế khuyến khích phát triển mô hình homestay tập trung ở khu vực làng hoa. Hiện nay có một số mô hình khá thành công. Nhưng về lâu dài thì phải làm bài bản hơn”. Lấy du lịch làm mũi nhọn, nhưng Sa Đéc nói riêng và Đồng Tháp vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, chẳng hạn như hiện cả tỉnh mới có hai khách sạn 3 sao. Điều này cần phải thay đổi. Ông Luân cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã tổ chức đấu thầu có điều kiện một khu đất làm khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao tại Sa Đéc. Tiền thu được nhập vào ngân sách tỉnh. Theo hồ sơ, dự án khách sạn có quy mô khoảng 150-200 phòng với tổng đầu tư 500 tỉ đồng”.
“Đấu thầu có điều kiện”, theo ông Luân, là không phải cứ có tiền là có thể tham gia đấu thầu. Tỉnh rất khuyến khích đầu tư vào hạ tầng du lịch nên những tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu trước hết phải có kinh nghiệm kinh doanh trong ngành du lịch. Ngoài ra, đơn vị thắng thầu phải cam kết triển khai dự án trong vòng hai năm kể từ khi được bàn giao mặt bằng. Nếu quá thời hạn mà không triển khai, tỉnh có quyền thu hồi dự án, dành cơ hội cho những nhà đầu tư khác. Đơn vị thắng thầu cũng không được cấp phép chuyển nhượng mục đích sử dụng mảnh đất đã được quy hoạch xây dựng khách sạn.
Để thu hút nhà đầu tư, thì bên cạnh những bản quy hoạch chỉn chu, Đồng Tháp đã có nhiều chuyển động trong bộ máy chính quyền, với sự thay đổi lớn ở đội ngũ nhân sự, ở tư duy quy hoạch và ở những cam kết dài hạn. Đấy là cơ sở gầy dựng, lan tỏa niềm tin đối với nhà đầu tư.
“Cách đây chưa lâu, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã dành gần như toàn bộ thời lượng trong phần phát biểu của mình tại TP.HCM để chia sẻ về những cam kết của chính quyền địa phương đối với bản quy hoạch của Sa Đéc. Chính quyền mà tư duy nhiệm kỳ thì khó tìm được những nhà đầu tư đàng hoàng. Đồng Tháp đã có kế hoạch đào tạo một số cán bộ trẻ làm việc tại Sa Đéc để họ nắm chắc tinh thần và giá trị của bản quy hoạch Sa Đéc 2017”, ông Luân nhấn mạnh.

tin liên quan

Du khách ùn ùn đổ về làng hoa Sa Đéc
Từ đầu tết dương lịch tới nay, làng hoa Sa Đéc mỗi ngày đón hàng ngàn khách du lịch mỗi ngày. Dự kiến từ nay đến Tết nguyên đán, lượng khách đổ về làng hoa Sa Đéc sẽ còn tăng cao
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.