Làm sao để phát triển công trình xanh ?

Lê Quân
Lê Quân
10/11/2018 08:35 GMT+7

Đây là nỗi niềm trăn trở của nhiều chuyên gia tâm huyết với công trình xanh tại Tọa đàm Café Xanh - chủ đề Đô thị Xanh và Con người Xanh do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức diễn ra vào chiều tối 9.11.

Khủng hoảng môi trường sống
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều nhất trí quan điểm phát triển đô thị xanh - con người xanh là việc làm đầy ý nghĩa, nhất là khi xây dựng đô thị xanh - thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt.
Dù vậy, ở nước ta, khái niệm "đô thị xanh" vẫn còn rất mới mẻ. Làm sao để phát triển công trình xanh trở thành xu thế, từ đó hình thành nên đô thị xanh, cuộc sống xanh là điều không dễ.
PGS - TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết năm 1996 là dấu mốc đánh dấu Hà Nội xuất hiện khu đô thị mới đầu tiên là Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm. Thời kỳ đó, người dân còn chê chung cư, đều tìm đến nhà thấp tầng.
Nhưng cũng kể từ năm 1996 đến nay, sau nhiều năm đô thị hóa, người dân dần yêu thích ở chung cư, nhà cao tầng. Đô thị Việt Nam dần dần tích tụ được một số lượng lớn lao động trẻ và tầng lớp nghiên cứu. Và đô thị mọc lên như nấm, chúng ta dần bước vào khủng hoảng đô thị.
“Và lúc này, chúng ta đang đứng trước khủng hoảng đô thị, đó là khủng hoảng môi trường sống. Vì thế, để xây dựng một đô thị tốt, chúng ta cần sự góp sức không chỉ là chính quyền, mà còn cần giới chuyên môn, những người dân và doanh nghiệp”, PGS - TS Thục cảnh báo.
Tuy nhiên, theo PGS - TS Thục, cho đến bây giờ, gần như ở Việt Nam đang thịnh hành công trình xanh ở giai đoạn 1, nhưng lại không thể bắt kịp với tốc độ như vũ bão của đô thị hóa.
“Số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồn về đô thị nhiều, tốc độ tập trung dân cư ở thành thị tăng chóng mặt. Chúng ta trồng rất nhiều cây trên mặt đứng, dùng đến công nghệ. Thế nhưng, công nghệ xanh không ăn thua đối với Việt Nam. Ở một đất nước mà người ta rời bỏ ngay làng quê để đến đô thị thì ý thức con người đóng vai trò lớn”, PGS - TS Thục nói.
Đồng thuận xã hội mới có công trình xanh
Để cải thiện chất lượng đô thị, chất lượng cuộc sống, PGS - TS Thục cho rằng, hướng đi là cần phát triển công trình xanh. Tuy nhiên, để làm được điều này ở Việt Nam rất cần sự đồng thuận của xã hội. Các nhà đầu tư hiện nay rất cần dấu ấn của xã hội. Do đó, cần đẩy mạnh truyền thông để người người hiểu về ích lợi của công trình xanh, đô thị xanh.
“Theo tôi, 3 yếu tố quan trọng để làm nên một công trình xanh, gồm: công trình tiết kiệm nhiên liệu, hai là không gian mở, ba là con người cần thay đổi tư duy”, PGS - TS Thục nói.
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhìn nhận xu hướng phát triển công trình xanh ở nước ta có nhiều tiềm năng, nhưng đi kèm với đó cũng không ít khó khăn. Khó khăn trước mắt chính là ý thức, hiểu biết về lợi ích của công trình xanh, đô thị xanh.
Bên cạnh đó, nước ta cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu.
Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh.
Cũng theo ông Chiến, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển công trình xanh còn hạn chế. “Xuất phát từ thực tiễn, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm công trình xanh hay không mà nên làm như thế nào? Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu, là con đường chúng ta buộc phải đi”, ông Chiến nói.
Ở góc độ phát triển, bất động sản và đô thị xanh có sự liên hệ khá mật thiệt với nhau. Những công trình xây dựng trong đô thị, hạ tầng đô thị như điện, nước... thường liên quan đến bất động sản. Ví dụ, một doanh nghiệp phát triển khu đô thị phải có sự liên kết nhiều công trình thành hệ thống: công trình nhà ở, đường đi, hạ tầng… nếu từng chủ đầu tư nâng cao được ý thức về công trình xanh sẽ đem lại lợi ích to lớn cho xã hội, góp phần tạo ra đô thị xanh.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0... Do đó, để một công trình xanh hiện diện cần có rất nhiều đơn vị cùng chung tay.
“Có nhiều chủ đầu tư đang nỗ lực, tâm huyết xây dựng công trình xanh. Nhưng câu chuyện công trình xanh ở đây không chỉ là nhà đầu tư mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, nhà đầu tư khi bán không thể tính trước được người mua là ai, làm công việc là gì?... Thế nên, trong cùng một toà nhà thôi đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Do đó, công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người, là bài toán của xã hội. Nhưng cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị”, ông Tùng nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.