Làm sao để 'hút' USD trong dân?

31/07/2017 07:27 GMT+7

Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp huy động được vàng, ngoại tệ trong dân.

Mới đây nhất, trong cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt lại vấn đề huy động nguồn USD trong dân.
Từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết chặt việc quản lý vàng, ngoại tệ hơn 2 năm về trước, báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng (NH) thương mại cho thấy, lượng tiền gửi bằng tiền đồng tăng lên trong khi tiền gửi USD giảm mạnh. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính 2016 của VCB, lượng tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ ở đơn vị này chiếm khoảng 18,7% tổng lượng tiền gửi của khách hàng, trong khi tỷ lệ này năm 2013 là hơn 25%. Hay ở ACB, lượng tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ chỉ chiếm gần 5% trong tổng lượng tiền gửi năm 2016, trong khi so với năm 2013 là 10%.
Cần tăng lãi suất tiết kiệm USD
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm ủng hộ chủ trương huy động nguồn lực vàng, ngoại tệ trong dân và cho rằng việc tìm cách thu hút USD sẽ không mâu thuẫn với chính sách 10 năm nay VN theo đuổi là chống đô la hóa, chống vàng hóa. Đến giờ này, nỗi lo đồng ngoại tệ bành trướng nền kinh tế đã bị đẩy lùi. Nếu cứ để lãi suất USD 0% trong thời gian dài sẽ khó thể “lôi” nguồn vốn này ra khỏi tủ các gia đình. “Năm 2016, các NH thương mại đã gửi hàng tỉ USD ra nước ngoài để hưởng chênh lệch, phần nào cho thấy chúng ta đang bỏ phí một nguồn lực. Thay vào đó chúng ta có thể tính toán một giải pháp khác để đưa luồng vốn này quay trở lại nền kinh tế”, ông Kiêm nói. Giải pháp, theo ông Kiêm là cần căn cứ vào tình hình cung cầu ngoại tệ, khả năng thu hút vốn để tính đến việc nâng lãi suất USD. “Việc nâng lãi suất USD là có thể thực hiện được trong bối cảnh này, bước đầu có thể nới lên dần dần từ mức 0,25 - 0,5%/năm”, ông Kiêm đề xuất.


Không nên tìm cách huy động bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, mà cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế thông thoáng, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh


Theo phó chủ tịch HĐQT một NH thương mại cổ phần, hiện người dân bỏ USD vào NH không được trả lãi mà còn bị thu phí (nếu rút tiền hay thực hiện các giao dịch khác). Tính ra, nếu gửi tiết kiệm USD, người dân đang chịu lãi suất âm. Lúc trước, nhiều cá nhân và doanh nghiệp găm giữ USD với kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá biến động. Còn hiện nay thì ngược lại, doanh nghiệp vay USD lãi suất thấp, giữ tiền đồng hưởng lãi suất cao.
“Cách điều hành hạn chế đối tượng vay USD và giữ lãi suất 0% đã khiến huy động USD giảm liên tục và đáng kể trong 2 năm nay. Để hút USD trở lại cần nâng lãi suất, nhưng mức lãi suất phải đáng kể và có lợi thì người dân mới sẵn sàng bỏ tiền vào. Thí dụ, một người có 100.000 USD, nếu lãi suất USD ở mức 0,25 - 0,5%/năm thì họ chỉ thu về 250 - 500 USD/năm, tương đương khoảng 5,6 - 11,3 triệu đồng/năm. Trong khi nếu đổi ra tiền đồng và gửi thì 2,27 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm sẽ cho hơn 150 triệu đồng tiền lãi/năm”, ông này tính toán và cho rằng lãi suất USD có nâng lên 0,5%/năm vẫn sẽ không hấp dẫn. Vì vậy, để thu hút USD, NH cần một mức lãi suất hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại việc nâng lãi suất USD cao quá sẽ gây mâu thuẫn với chính sách chống đô la hóa.
Khuyến khích chuyển thành vốn sản xuất, kinh doanh
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, NHNN có thể mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại tệ, nhưng cách tốt nhất là cần chính sách để “mở rộng đường” cho người dân đầu tư làm ăn, mua cổ phiếu, tham gia chứng khoán; hoặc tham gia các dự án hợp tác công tư... “Sự tham gia của người dân có thể thông qua một định chế đứng ra “gom vốn” và quản lý, chẳng hạn như các NH hay các quỹ đầu tư. Không nên tìm cách huy động bằng các biện pháp hành chính cứng nhắc, mà cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế thông thoáng, bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân”, ông nói.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ngoài số ngoại tệ được gửi ở NH, thì lượng ngoại tệ trôi nổi trên thị trường tự do hiện rất lớn do người dân, tiệm vàng, doanh nhân… nắm giữ. Hiện nay, mức lãi suất 0% cho tiền gửi USD gây hạn chế hút vốn, nhưng nên duy trì cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào khoảng tháng 9 - 10 tới. Thời điểm Fed điều chỉnh lãi suất, cũng là lúc các nước thường tăng lãi suất theo với mức khoảng 1%, dễ dẫn đến việc chảy máu ngoại tệ khi dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư có lợi hơn, tỷ giá USD/VND gặp áp lực, thiếu hụt ngoại tệ trong bối cảnh nhập siêu trong năm nay… “Lãi suất USD nên được điều chỉnh tại thời điểm đó thì có lợi hơn. Và mức lãi suất phù hợp là 0,5%, chứ 0,25% là quá nhỏ, chỉ như muốn bỏ biển”, ông đánh giá.
Ngoài ra, lượng ngoại tệ từ kiều hối chảy về ngày càng nhiều, tìm đến đầu tư với hai kênh “nóng” nhất hiện nay là bất động sản và chứng khoán, chứ chưa chảy vào kinh doanh, sản xuất nhiều. Vì vậy, cần tìm cách “dẫn lưu” dòng vốn này vào kinh doanh để nền kinh tế hưởng lợi tích cực hơn.

tin liên quan

Đưa vàng trong dân vào kinh doanh
'Nung chảy' hàng trăm tấn vàng trong dân đưa vào sản xuất kinh doanh, theo nhiều chuyên gia là chủ trương đúng đắn, nhiều nước đã làm, nhưng nó cần phải được tính toán có lộ trình từng bước, thận trọng. Trong đó, an toàn của hệ thống ngân hàng và quyền lợi của người dân phải được đặt lên hàng đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.