Làm điện, nước biếu không 'ông' độc quyền: Khách hàng chịu thiệt hại

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản cho rằng việc đầu tư hệ thống điện, nước là trách nhiệm của 2 ngành này thì đại diện 2 ngành này lại khẳng định việc đầu tư hệ thống hạ tầng phải do các doanh nghiệp bất động sản bỏ tiền ra làm, họ chỉ có trách nhiệm thu tiền điện, nước.

Đùn qua, đẩy lại
Dẫn quy định của luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) là chủ đầu tư dự án BĐS “chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt. Bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”, ông Phạm Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC), khẳng định trách nhiệm đầu tư điện, nước thuộc về chủ đầu tư các dự án BĐS.
Không chỉ thế, theo ông Bảo, nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 được quy định rất rõ tại khoản 3, điều 17 của Nghị định số 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị là: “Đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”. “Theo các quy định hiện hành của nhà nước và phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền, thì việc đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật đi kèm (trong đó có hệ thống cấp điện) đối với các dự án kinh doanh BĐS là trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án. Ngành điện chịu trách nhiệm cấp điện đến chân hàng rào công trình theo quy định của luật Điện lực”, ông Bảo nói.
Cũng theo ông Bảo, việc bàn giao tài sản lưới điện này là không bắt buộc, các chủ đầu tư các dự án BĐS có thể giữ lại hệ thống điện để vận hành và cung cấp điện cho dự án, trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành của nhà nước về các điều kiện kinh doanh điện năng và an toàn điện.
Trong khi đó, đối với ngành cấp nước, ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh - dịch vụ khách hàng Tổng công ty cấp nước Sài Gòn, cho rằng Sawaco rất ngại quản lý các trường hợp khách hàng bên trong các tòa chung cư, các dự án BĐS vì không biết chủ dự án đó đầu tư xây dựng chất lượng như thế nào. Một số chủ đầu tư làm giữa chừng thì bỏ nên khó kiểm soát chất lượng công trình. “Còn có chủ đầu tư nói rằng họ bỏ tiền tỉ đầu tư hệ thống nước rồi sau đó buộc phải bàn giao lại cho ngành nước là không đúng. Bởi, tất cả các quy định hiện hành đều chỉ cho gắn đồng hồ ở ranh dự án BĐS. Còn khách hàng, khi họ bỏ tiền tỉ để mua nhà là họ đã trả phần tiền này cho chủ đầu tư rồi. Ngay Bộ Xây dựng cũng đã biết rõ và quy định việc này”, ông Quang nói.
Khách hàng gánh hết
Doanh nghiệp bất động sản chỉ được bàn giao nhà cho khách hàng khi xong hạ tầng chứ không nhắc đến điện, nước. Hạ tầng ở đây là đường sá, công viên, trường học, bệnh viện... Còn ngành điện hoạt động trong lĩnh vực bán điện phải tuân thủ theo luật Điện lực là quy định pháp lý cao nhất, không thể lấy luật Kinh doanh bất động sản ra áp dụng
Một chuyên gia tư vấn đầu tư BĐS
Theo luật sư Nguyễn Thành Công - thuộc Công ty Đông Phương Luật, luật Điện lực 2004 có quy định nghĩa vụ của đơn vị phát điện là “đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện hoặc bên mua điện”. Như vậy, thông thường khi không có các thỏa thuận khác, đơn vị phát điện phải đầu tư xây dựng trạm điện, công tơ, đường dây, gọi chung là hệ thống điện cho bên mua là người sử dụng điện. Có thể hiểu khi một cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng điện, công ty điện lực sẽ tiến hành lắp công tơ điện và đấu nối dây điện vào công tơ cho cá nhân, tổ chức đó sử dụng và tiến hành thu tiền.
Tuy nhiên, cũng theo quy định này, bên mua điện hoàn toàn có thể thỏa thuận với đơn vị phát điện về việc đầu tư xây dựng hệ thống điện. Cụ thể trong trường hợp dự án xây dựng nhà ở, chủ đầu tư có thể thỏa thuận với đơn vị phát điện về việc tự mình xây dựng hệ thống điện và bàn giao sau khi hoàn tất cho đơn vị phát điện. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này phải dựa trên nguyên tắc có qua có lại với chi phí hợp lý cho chủ đầu tư. Còn hiện nay, việc các chủ đầu tư phải “biếu không” cho ngành điện mà không có bất cứ khoản bồi thường vừa làm thiệt hại rất lớn tới chủ đầu tư vừa thể hiện sự độc quyền trong quản lý điện lực. Tuy nhiên, luật không quy định chế tài khi ngành điện không thực hiện việc thiết lập, đấu nối hệ thống điện cấp cho dự án. Do đó, dù bị thiệt hại, các doanh nghiệp BĐS cũng không kêu được.
Một chuyên gia tư vấn đầu tư BĐS cho rằng việc ngành điện viện dẫn luật Kinh doanh BĐS và nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị để thoái thác, đùn trách nhiệm cho doanh nghiệp BĐS là không đúng. Bởi trong khoản 3, điều 13, luật Kinh doanh BĐS yêu cầu “Doanh nghiệp BĐS chỉ được bàn giao nhà cho khách hàng khi xong hạ tầng” chứ không nhắc đến điện, nước. “Hạ tầng ở đây là đường sá, công viên, trường học, bệnh viện... Còn ngành điện hoạt động trong lĩnh vực bán điện phải tuân thủ theo luật Điện lực là quy định pháp lý cao nhất, không thể lấy luật Kinh doanh BĐS ra áp dụng”, vị này nói.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu thì cho rằng, doanh nghiệp BĐS không được hưởng lợi gì từ việc bán điện, nước. Nếu 2 ngành này đầu tư hệ thống hạ tầng để bán thu lời thì doanh nghiệp BĐS sẽ tiết kiệm được khoản đầu tư lớn và như vậy chi phí đầu tư dự án sẽ giảm, từ đó khách hàng mua được nhà rẻ hơn.
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau, một số nước quy định đơn vị cấp điện, cấp nước phải làm đường điện, ống nước và đồng hồ đến tận cửa nhà dân. Trong khi có nước quy định đơn vị công ích chỉ làm đến ranh đất. Tuy nhiên, đối với các dự án BĐS, dù ai đầu tư thì cuối cùng người tiêu dùng, khách hàng phải gánh chịu hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.