Lãi vay đồng loạt giảm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
30/10/2020 06:22 GMT+7

Các ngân hàng, đặc biệt một số ngân hàng lớn, đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay tiền đồng từ 0,3 - 1%/năm, nhưng những khoản vay cũ vẫn bị “mắc kẹt” ở lãi rất cao.

Xuống 4,8%/năm

Ngày 28.10, HDBank giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) gói 5.000 tỉ đồng từ 6,5%/năm còn 6,2%/năm. Một số ngân hàng (NH) thương mại cổ phần lớn cũng đã điều chỉnh giảm lãi vay mới. Như VPBank cho khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình vay để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất từ 5,99%/năm từ nay tới cuối năm. Hạn mức cho vay lên 20 tỉ đồng, thời gian vay 24 tháng, cho vay 70 - 75% tài sản thế chấp... MB cho cá nhân vay mua, xây và sửa nhà với lãi suất 0,57%/tháng (tức 6,84%/năm).
Thanh khoản của hệ thống NH hiện nay dồi dào, Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất trên 1%/năm bao nhiêu cũng hết nên giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ rồi thông qua hệ thống nhà băng hỗ trợ khách hàng giảm lãi vay là có thể thực hiện được.

TS Lê Đạt Chí

Trong đợt này, các NH có vốn nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi vay xuống thấp. Vietcombank vừa giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh, mua nhà, xây sửa nhà, mua ô tô... đối với khách hàng cá nhân và khách hàng SME lần lượt là 6,5%/năm và 5,9%/năm. Agribank cũng vừa đưa ra gói 30.000 tỉ đồng cho khách hàng SME vay từ nay đến 30.6.2021 từ 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Trước đó, BIDV đã giảm lãi vay 0,5%/năm đối với khách hàng cá nhân vay kinh doanh bị ảnh hưởng dịch Covid-19, còn 5 - 6%/năm tùy theo kỳ hạn. Ngoài ra, BIDV còn dành 70.000 tỉ đồng cho vay kinh doanh với lãi từ 5,5%/năm, kỳ hạn dưới 12 tháng, còn từ 36 tháng có lãi là 7,2%/năm...
Lãi suất giao dịch của các nhà băng trên thị trường liên NH vẫn ở mức thấp gần 0%/năm và chỉ bằng một nửa lãi suất mà các NH huy động ở khu vực doanh nghiệp, cá nhân. Chẳng hạn, lãi suất bình quân liên NH ngày 27.10 ở kỳ hạn qua đêm còn 0,1%/năm, 1 tuần còn 0,23%/năm, 2 tuần còn 0,19%/năm, 1 tháng còn 0,51%/năm, 3 tháng còn 2,11%/năm, 6 tháng còn 2,89%/năm...
Theo kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo, Thống kê (NH Nhà nước), dư nợ tín dụng của hệ thống NH được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng 4,7% trong quý 4 và tăng 11,4% trong năm 2020. Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay được kỳ vọng giảm trong quý 4 và cả năm 2020 thêm khoảng 0,1%. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh giảm giá bình quân sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức tín dụng đang chậm lại cho thấy khả năng dư địa đang thu hẹp lại.

Lãi vay cũ vẫn ở mức cao

Trong khi đó, các hồ sơ vay trước đây gần như “mắc kẹt” với lãi vay khá cao. Trường hợp Công ty B.V đang vay tại NH T. là một điển hình. Sau thời gian vay ưu đãi lãi 8,8%/năm, NH vừa tăng lãi suất vay lên 12,2%/năm. Theo hợp đồng tín dụng, sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay mới sẽ được NH T. tính với khách hàng bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng (*) cộng biên độ 4%. Ở đây, bảng lãi suất huy động tiết kiệm của NH T. ở kỳ hạn 12 tháng (*) là 8,2%/năm chỉ áp dụng đối với số tiền gửi trên 500 tỉ đồng, trong khi đó lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhà băng này (không có dấu *) chỉ ở mức 6 - 6,4%/năm. Đại diện Công ty B.V cho biết dù công ty đã có đơn xin NH T. giảm lãi vay vì mức này quá cao so với mặt bằng lãi vay hiện nay, nhưng phía NH vẫn từ chối, chỉ hỗ trợ phần khoanh nợ 5 tháng.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), cho rằng thực tế hiện nay lãi suất vay đối với khách hàng cũ cao hơn mới gần gấp đôi dù rằng khách hàng đã gắn bó nhiều năm. Một số NH đưa ra tiêu chí mà sau này khách hàng thấy bất hợp lý và dẫn đến không thỏa thuận được thì có thể tìm NH khác để mua lại khoản nợ đó thay vì phải “chết gí” với NH cũ. Doanh nghiệp, cá nhân vay nợ có thể tìm con đường sống bằng cách tìm NH mua lại khoản nợ của mình. Về vấn đề đảo nợ, trong một hoàn cảnh bình thường sẽ không thể cho phép thực hiện do vi phạm nhưng nếu để hỗ trợ khách hàng thì NH có cách để thực hiện.
Đánh giá lãi suất vay ở mức thấp khoảng 5 - 6%/năm, ông Lê Đạt Chí cho rằng đó là những gói tín dụng để giữ chân khách hàng là chính, chứ mặt bằng lãi suất cho vay chung thật sự chưa giảm hoặc giảm quá chậm. Trên thực tế, hiện nay công cụ giảm lãi suất đã không phát huy động tác dụng. Nhìn vào thu nhập từ lãi của các NH phản ánh được điều này.
Để có thể giảm lãi suất, ông Lê Đạt Chí cho rằng NH Nhà nước có thể áp dụng một số giải pháp khác như áp trần lãi vay thấp hơn, siết hơn mức hiện nay. Đồng thời, NH Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính để xem xét đến việc phát hành trái phiếu chính phủ, rồi dùng nguồn tiền này thông qua NH hỗ trợ đến khách hàng, lúc này lãi suất mới có thể xuống thấp được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.