Lá chắn xanh giữ đất lành

Hữu Trà
Hữu Trà
13/02/2020 07:33 GMT+7

Ba lớp cây gồm bần, cỏ bói và dương liễu tạo thành lá chắn xanh vững chãi giúp chống sạt lở, giữ đất, giữ bờ ven sông Thu Bồn (TP.Hội An, Quảng Nam).

Môi trường tự nhiên được hồi sinh, các loại cá tôm, cò chim lần lượt tìm về...
Năm 2017, nước lũ dâng cao, chảy xiết khiến bờ sông ở thôn Phước Trung, xã Cẩm Kim (TP.Hội An) bị xói lở nghiêm trọng. Hàng chục héc ta đất bãi bồi ven sông là nguồn sinh kế cho bao gia đình có nguy cơ cuốn trôi xuống dòng Thu Bồn. Người dân lo lắng, chính quyền xã cũng đứng ngồi không yên. Vùng đất này cũng là nơi sinh sôi, nuôi dưỡng biết bao nguồn lợi thủy sản từ con cua, con cá đến nhiều loài chim như le le, vịt nước, cò… “Thấy đất lần lượt trôi sông, ai cũng xót. Nhưng để tìm ra cách giữ bờ ít tốn kém nhất mà vẫn đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường là cả một quá trình dài”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, chia sẻ.

Đầu tư ít, hiệu quả cao

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, nếu đầu tư kè cứng bằng bê tông phải mất từ 45 - 50 triệu đồng/m. Trong khi đó, kè sinh thái như TP.Hội An đang thử nghiệm ở thôn Phước Trung chỉ tốn 10 triệu đồng/m. “Nhiều sông ở Quảng Nam và các tỉnh, thành khác có thổ nhưỡng tương đồng có thể trồng theo mô hình này để giữ đất, giữ mạch nước ngầm, chống xói lở hiệu quả mà suất đầu tư không cao”, ông Hùng cho biết thêm.
Ông Hùng nhớ lại, cuối năm 2017, nhóm cán bộ địa phương tình cờ đến tham quan An Nhiên Farm và mô hình trồng cây giữ đất ven sông của TS Ngô Anh Đào. “Thấy mô hình này hay quá, vừa rẻ vừa phủ đầy màu xanh của cỏ cây làm chúng tôi nghĩ ngay đến việc áp dụng mô hình này cho vùng đất ven sông thôn Phước Trung”, ông Hùng kể về cơ duyên TP.Hội An thử nghiệm trồng 437 m chiều dài cây xanh dọc theo đoạn sông Thu Bồn, tạo thành lá chắn xanh giữ đất lành Phước Thắng.
Năm 2018, chính quyền TP.Hội An lặn lội ra tận Quảng Trị đặt mua cây bần đưa về xã Cẩm Kim. Công đoạn tiếp theo là bạt đất tạo thành mái taluy, rồi trải vải địa kỹ thuật xuống bên dưới, chuẩn bị cỏ bói (một giống cây bản địa) và dương liễu. “Lớp đầu tiên là cây bần có hệ rễ đặc biệt bám đất rất tốt nên được “ưu ái” trồng dọc theo mép ngoài bờ sông rộng từ 3 - 5 m, có nơi trồng rộng 50 m. Lớp thứ hai trồng cỏ bói rộng 5 m trên đất có trải lớp vải bạt kỹ thuật, lớp thứ ba trồng dương liễu rộng 10 m”, ông Hùng nói về kỹ thuật tạo lá chắn xanh. UBND TP còn đầu tư thêm các “mỏ hàn” bằng rọ đá để giảm áp lực dòng chảy ven bờ.
Chỉ một năm sau khi trồng, những cây bần, cỏ bói và dương liễu đã đứng vững, vươn mình thành lá chắn xanh mướt. “Cá, tôm, cua đặc hữu của vùng nước lợ ven biển đã hiện diện. Le le, vịt trời, cò cũng tìm về trú ngụ, sinh sôi…”, ông Hùng tươi cười khi nói về “bờ kè sinh thái” phát triển hơn mong đợi trên đất lành Phước Trung. “Đến thời điểm này, đoạn kè không bị xói lở, hệ sinh thái đã và đang phát triển rất tốt”, ông Huỳnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim, hồ hởi.
TP.Hội An cũng đã quyết định đầu tư thêm 900 m kè sinh thái nối với tuyến kè thí điểm. Khi toàn tuyến hoàn thành sẽ tạo vành đai xanh giữ đất, giữ làng, mang lại nguồn sinh kế bền vững cho người dân. “Sau này, địa phương sẽ biến lá chắn xanh thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn”, ông Huỳnh Hùng phác thảo về tương lai vùng đất lành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.