Ký sự Phú Mỹ Hưng - Kỳ 10: Hỗ trợ cộng đồng theo cách Lawrence S.Ting

29/09/2015 05:41 GMT+7

Nói đến Phú Mỹ Hưng không thể không đề cập đến Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting (Quỹ Lawrence S.Ting).

Nói đến Phú Mỹ Hưng không thể không đề cập đến Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting (Quỹ Lawrence S.Ting).

Ông Lawrence S.Ting (bên trái) trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự án phát triển thành phố hướng ra biển Đông - Ảnh tư liệu PMHÔng Lawrence S.Ting (bên trái) trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về dự án phát triển thành phố hướng ra biển Đông - Ảnh tư liệu PMH
Sau 10 năm hoạt động, tổ chức này đúng là “dự án vì tấm lòng” theo tâm nguyện của người khai sinh khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Ông Lawrence S.Ting thành tâm coi VN là quê hương thứ hai của mình. Ông từng nói: “Vợ tôi thường nói: đến VN không bao giờ bà có cảm giác là mình ra nước ngoài. Khi có người gọi bà ấy là người nước ngoài, bà thường bất giác quay đầu lại xem có người nước ngoài nào ở phía sau mình không, bởi bà hoàn toàn không cho mình là người nước ngoài”. Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của người dân nơi đây, nên ngay từ những ngày đầu triển khai dự án khu đô thị, ông đã có ý định làm những việc thiết thực để hỗ trợ phát triển tài năng và giúp đỡ những người bất hạnh. Ông muốn lập một quỹ hỗ trợ cộng đồng mang tên Tân Phú (ghép chữ đầu của hai liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận và Phú Mỹ Hưng). Sau khi ông qua đời, những người kế tục thực hiện ý nguyện của ông và lấy tên Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.Ting để tưởng nhớ ông. Quỹ được thành lập theo Quyết định số 5971/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ban hành ngày 25.11.2005.
Nguồn vốn ban đầu là tiền phúng điếu của bạn bè và người thân tại lễ tang của ông cộng thêm một phần đóng góp của gia đình. Từ đó, hằng năm các liên doanh giữa Tập đoàn CT&D với phía VN như Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận, Công ty điện lực Hiệp Phước cùng các doanh nghiệp thân hữu, các nhà hảo tâm đã đóng góp vào sự phát triển và hoạt động của quỹ.
Chưa đầy 10 năm, quỹ đã chi một số tiền lên tới hơn 225,5 tỉ đồng cho đúng người, đúng nơi cần giúp đỡ. Rất nhiều tài năng trẻ được tiếp sức trong học tập từ sự hỗ trợ của quỹ, rất nhiều mảnh đời bất hạnh được an ủi từ sự giúp đỡ của quỹ. Tính đến thời điểm này, quỹ đã trao 70.760 suất học bổng với tổng số tiền hơn 80,7 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên khắp 3 miền trong cả nước, trong đó quỹ đã trao trực tiếp cho 4.736 suất cho các sinh viên và học sinh xuất sắc (600 USD/năm cho sinh viên, 250 USD/năm cho học sinh), số còn lại được trao thông qua các tổ chức từ thiện và hội khuyến học các tỉnh, thành. Ngoài học bổng, quỹ còn tài trợ xây dựng 122 phòng vi tính với 2.994 máy vi tính cho 96 trường học thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước với giá trị gần 48 tỉ đồng.
Về y tế, Quỹ Lawrence S.Ting đã trao tặng gần 15.000 chiếc xe lăn cho người tàn tật, tài trợ xây dựng 2 trạm y tế với trang thiết bị và thuốc men, hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho hàng ngàn trẻ em nghèo, trao hàng ngàn kiện thiết bị y tế cho các bệnh viện... Tổng số tiền tài trợ cho lĩnh vực y tế lên tới gần 35 tỉ đồng. Ngoài ra quỹ còn dành hàng chục tỉ đồng cho các hoạt động cứu trợ và các hoạt động thiết thực khác phục vụ cộng đồng.
Sau 30 năm Đổi mới, một bộ phận dân cư trở nên giàu có, một bộ phận khá đông khác khá dần lên, việc nhường cơm sẻ áo, việc chia sẻ giúp đỡ nhau, việc hỗ trợ tiếp sức cho những tài năng trẻ đang trở thành phong trào. Các doanh nhân thi nhau làm từ thiện, nhiều người thành tâm “tay phải làm không cho tay trái biết”, nhưng cũng không ít người làm từ thiện để quảng bá hình ảnh. Nhưng nước ta còn nghèo, số người khốn khó bất hạnh còn quá lớn, không ít những tài năng tiềm ẩn trong đám trẻ thơ cơm không đủ ăn áo quần không đủ mặc, bất cứ sự chia sẻ, giúp đỡ dù nhiều dù ít, dù với mục đích gì cũng đều là nghĩa tình đáng quý. Tôi chỉ không thích dùng chữ “làm từ thiện”, nó hàm ý bề trên kẻ cả ban phát chút của cải dư thừa cho những người hèn mọn. Tôi phải liệt kê những con số về hoạt động của Quỹ Lawrence S.Ting trên đây do nó không hề nhỏ về giá trị và rất lớn về nỗ lực cũng như tấm lòng.
Xin kể một câu chuyện nhỏ về Lê Công Tuấn Anh. Khi anh mất, công chúng đã hết lòng tiếc thương, ngưỡng mộ và báo chí đã ca ngợi hết lời người nghệ sĩ tài ba trẻ tuổi. Một nhà báo là bạn tôi, đã viết một bài, trong đó có nêu chi tiết cảm động: Bạn ấy đã chứng kiến một lần Lê Công Tuấn Anh ra Hà Nội, vào một quán ăn, khi người ăn xin đến xin tiền, anh đã cầm tờ giấy bạc bằng hai tay đưa cho người ấy, sau đó lại cúi đầu đáp lễ khi người ăn xin nói lời cám ơn. Gần 20 năm rồi, nhiều chuyện về Lê Công Tuấn Anh tôi không còn nhớ, nhưng chi tiết này tôi không bao giờ có thể quên được. Đó là một cách chia sẻ với người nghèo, chia sẻ một cách lễ phép.
Còn ông Lawrence S.Ting, xin dẫn lại câu chuyện mà ông Phan Chánh Dưỡng kể lại với nhóm làm ký sự chúng tôi. Một lần ông Dưỡng đi cùng ông Ting vào một xóm nhỏ ở vùng quê, có một đám trẻ con, “đứa có quần thì không có áo, đứa có áo thì không có quần”, đang chạy chơi rất vui, khi ông Ting bước tới, ông đi đâu cũng thường mang theo kẹo để cho tụi nhỏ, ông chìa tay bắt tay từng đứa một, đứa chưa đến lượt cũng giơ tay ra chờ. Sau khi bắt tay và chia kẹo cho tất cả các em, ông Ting nói với ông Dưỡng: “Ông Dưỡng nè, ông có nhìn cặp mắt của mấy đứa nhỏ không, những cặp mắt sáng rỡ. Chúng đâu có quan tâm đến cái nghèo của chúng. Chúng đâu có quan tâm đến quần áo của chúng. Những cặp mắt sáng rỡ đó là tương lai của đất nước này. Đó là niềm tin”. Ông Ting và người thân của ông, đồng sự của ông, những người bạn VN của ông, như ông Phan Chánh Dưỡng, ông Trịnh Công Lý... đã nhìn người nghèo theo cách như vậy và cái quỹ của các vị cũng đã hỗ trợ, tiếp sức, chia sẻ với họ theo cách nhìn lễ phép đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.