Ký quỹ làm tăng giá bất động sản

04/09/2014 20:02 GMT+7

(TNO) Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về các nội dung của dự án luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi do Bộ Xây dựng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 4.9.

(TNO) Đó là thông tin đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến về các nội dung của dự án luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) sửa đổi do Bộ Xây dựng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 4.9.

Ký quỹ làm tăng giá bất động sản
Các chuyên gia, DN lo sợ việc ký quỹ sẽ làm tăng giá nhà đất, gây khó cho khách hàng - Ảnh: Đình Sơn

Cụ thể tại luật Đất đai 2013 và trong dự thảo luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, một trong những điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư là doanh nghiệp (DN) phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư để tránh tình trạng lãng phí quỹ đất, DN "tay không bắt giặc", có thể lừa đảo khách hàng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn cho DN, khách hàng và cả thị trường BĐS. Đặc biệt có thể làm tăng giá nhà đất. Bởi hiện nay một dự án đã gánh quá nhiều chi phí cao và vô lý như: tiền bồi thường, tiền sử dụng đất, chi phí vốn, chi phí xây dựng, chi phí đầu tư hệ thống điện, nước, chiếu sáng công cộng (trong khi theo luật Điện nước, công ty điện nước phải đầu tư đồng hộ đến tận căn hộ thì nay DN cũng phải làm và xong sẽ bàn giao cho địa phương - PV), chi phí do thủ tục hành chính kéo dài, thuế và phí. Tất cả những thứ trên đã quá cao và nay thêm chi phí ký quỹ nữa sẽ khiến giá nhà đất tăng theo. Tuy nhiên, tất cả chi phí đều được tính vào giá bán căn hộ và người chịu cuối cùng là khách hàng.

Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh Nguyễn Đình Trung, cho rằng hiện DN đang lo lắng việc ký quỹ có được trả lại tiền không hay mất luôn. Nếu như vậy, vô hình chung nhà nước “chiếm dụng” số tiền này thì DN sẽ tê liệt. Do đó, cứ để thị trường tự nhiên, không nên can thiệp mạnh vào vì như vậy vô hình sẽ làm thị trường xấu đi.

Trong khi đó, ông Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, đưa ra hai phương án, đối với những dự án nhỏ, doanh nghiệp tự bỏ tiền ra đền bù, mua đất của người dân thì không nên quy định ký quỹ, chỉ những dự án lớn DN xin nhà nước giao đất thì mới phải ký quỹ vì nếu không họ cứ “ngâm” dự án, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân trong khu đất đó. “DN bỏ ra hàng trăm tỉ đồng để mua đất của dân nên họ phải lo làm sớm, nhanh để thu hồi vốn vì nếu không tiền lãi suất sẽ ăn hết. Do đó đối với những dự án doanh nghiệp tự đi mua đất thì không nên buộc ký quỹ, vì nếu không DN sẽ chết chắc”, ông Nghĩa lo lắng.

TS Trần Du Lịch nói rằng thực tế nhiều DN xí đất để rồi bỏ hoang làm lãng phí quỹ đất. Do đó Nhà nước quy định phải ký quỹ nhưng bao nhiêu % thì chưa quy định. Do đó cần làm rõ, nếu DN đã ký quỹ rồi nay dự án chuyển nhượng thì số tiền ký quỹ sẽ được xử lý như thế nào, DN nhận chuyển nhượng dự án có phải ký quỹ thêm không? Tuy nhiên, theo ông Lịch, để giải quyết vấn đề bỏ đất hoang, nhằm đảo đảm nguồn tài chính khi thực hiện dự án, thì cần có quy định cụ thể dự án dưới 20 ha, DN phải có 20% tổng đầu tư dự án, trên 20 ha thì 15%. Tuy nhiên cần phân kỳ dự án, bởi nếu 20% như ở Phú Mỹ Hưng thì không kham nổi. Ngoài ra, “ông” nào ký giao dự án cho DN mà bỏ hoang cũng phải xử lý vì vi phạm luật Đất đai.

Trước những băn khoăn của DN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, nêu thực trạng ai cũng thấy là thị trường thiếu tổ chức, thiếu quy hoạch, kế hoạch, thiếu kiểm soát nên thời gian qua phát triển hỗn độn. Hiện cả nước có 4.300 dự án, tổng vốn đầu tư là 4 triệu tỉ đồng và tổng số nhà đủ đến năm 2045, khiến cung vượt cầu. Tuy nhiên, đây là số lượng dự án được cấp phép, còn thực tế dự án triển khai rất chậm, rất ít. Nguồn lực không đủ làm các dự án này. Do đó, luật lần này xây dựng trên tinh thần cởi mở, tạo điều kiện cho DN kinh doanh tốt nhất nhưng đảm bảo quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo trật tự cho thị trường.

Đình Sơn

>> EVN không được đầu tư bất động sản, ngân hàng
>> Hiệp hội Bất động sản VN thay Tổng thư ký
>> Miễn nhiệm chức vụ Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam với ông Phan Thành Mai
>> Các thương vụ mua bán, sáp nhập bất động sản gia tăng mạnh mẽ
>> Bắt giam ‘ông trùm’ phân lô bán nền bất động sản 
             

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.