Vụ sông Mã bị 'đầu độc' chưa được xử lý, doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại

07/06/2021 15:39 GMT+7

Dù sự cố môi trường trên sông Mã chưa được xử lý, nhưng mới đây Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa (Thanh Hóa) lại đề nghị cho các doanh nghiệp (đang tạm dừng hoạt động) tiếp tục sản xuất phần nguyên liệu tồn kho.

Ngày 7.6, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở TN-MT phối hợp với UBND H.Quan Hóa và các đơn vị liên quan xem xét, đánh giá để tham mưu UBND tỉnh trả lời về việc Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa đề nghị cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản được tiếp tục sản xuất nguyên liệu tồn kho.
Các doanh nghiệp được Hiệp hội tre luồng H.Quan Hóa đề nghị cho tiếp tục sản xuất hết phần nguyên liệu còn tồn kho đều đang bị tạm dừng sản xuất chờ xử lý vi phạm, hoặc để xây dựng hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải.
Đây cũng chính là những doanh doanh nghiệp có vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, xả thải chưa qua xử lý ra sông Mã bị đoàn kiểm tra liên ngành của H.Quan Hóa phát hiện.

Tỉnh Thanh Hóa vẫn đang truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm sông Mã thời gian qua

ẢNH MINH HẢI

Trả lời phóng viên, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND H.Quan Hóa, cho biết huyện vẫn chưa đưa ra quan điểm có đồng ý hay không đồng ý cho phép các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất hết phần nguyên liệu tồn kho theo đề nghị của Hiệp hội Tre luồng H.Quan Hóa, mà phải chờ họp bàn giữa các bên.
Phóng viên cũng đã liên hệ qua điện thoại với ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa, để hỏi về việc Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh như thế nào đối với vấn đề trên, nhưng không nhận được cầu trả lời.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo UBND H.Bá Thước (huyện có sông Mã chảy qua, nằm phía dưới H.Quan Hóa) cho biết, nếu cho phép các doanh nghiệp ở H.Quan Hóa (thượng nguồn sông Mã) hoạt động, dù là chỉ là sản xuất hết nguyên liệu tồn kho là không nên.
Vị lãnh đạo này phân tích, trong khi các doanh nghiệp cũng chế biến lâm sản ở H.Bá Thước đang phải chấp hành nghiêm việc tạm dừng sản xuất do có vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, mà các doanh nghiệp ở đầu nguồn sông Mã (ở H.Quan Hóa) lại được sản xuất là “không hợp lý”.

Việc chế biến tre, luồng phải sử dụng rất nhiều loại hóa chất độc hại

ẢNH MINH HẢI

Trước đó, như Thanh Niên đã thông tin, sự cố sông Mã bị ô nhiễm được phát hiện bắt đầu từ ngày 15.3, khi cá lồng nuôi trên sông Mã của người dân H.Bá Thước chết trắng hàng loạt.
Tiếp đó, cá lồng của người dân H.Cẩm Thủy (hạ lưu sông Mã so với H.Bá Thước) và các loài thủy sản trên sông Mã cũng chết hàng loạt. Tổng số cá lồng chết thống kê được khoảng 60 tấn.
Lo lắng nước sông Mã ô nhiễm, UBND tỉnh Thanh Hóa mới đây đã giao cho Sở NN-PTNT Thanh Hóa chủ trì thực hiện việc lấy mẫu nước giếng trên địa bàn 10 xã, thị trấn dọc sông Mã của H.Bá Thước (đến ngày 7.6 chưa có kết quả phân tích) để kiểm tra, phân tích xem có bị ô nhiễm hay không.
Về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm sông Mã và trách nhiệm cụ thể, hiện đoàn kiểm tra cấp tỉnh do UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo thực hiện, đang tiếp tục xác minh, làm rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.