Thủy sản chết bất thường trên sông Mã: Nhiều cơ sở chưa xong ĐTM vẫn hoạt động

15/04/2021 12:45 GMT+7

H.Quan Hóa (Thanh Hóa) kiểm tra 9 cơ sở chế biến lâm sản nhưng không phát hiện đơn vị nào xả thải trái phép ra sông Mã , tuy nhiên, trong 9 cơ sở thì có 7 chưa được nghiệm thu ĐTM, nhưng vẫn hoạt động.

Liên quan đến vấn đề nước sông Mã bị ô nhiễm, các loài thủy sản chết bất thường thời gian qua đang thu hút sự quan tâm của người dân, trong khi ở H.Bá Thước đã phát hiện 3/5 doanh nghiệp vi phạm, thì tại H.Quan Hóa có 9 cơ sở chế biến lâm sản lại không phát hiện cơ sở nào vi phạm.
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND H.Quan Hóa (Thanh Hóa), cho biết sau khi nước sông Mã ô nhiễm, các loài thủy sản trên sông qua địa bàn H.Bá Thước (H.Bá Thước ở phía hạ du, giáp ranh với H.Quan Hóa phía thượng du sông Mã) chết thì huyện này đã tổ chức kiểm tra tất cả 9 cơ sở của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất đũa, giấy, vàng mã ven sông Mã.

H.Quan Hóa kiểm tra 9 cơ sở chế biến lâm sản nhưng không phát hiện cơ sở nào có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã

ẢNH MINH HẢI

Tuy nhiên, theo ông Tự, trong 2 ngày (12 - 13.4) kiểm tra, không phát hiện cơ sở nào có hành vi vi phạm xả thải nước thải chưa qua xử lý ra sông Mã.
“Không phát hiện đơn vị nào xả thải trái phép, nhưng còn nhiều vấn đề các doanh nghiệp chưa tuân thủ, như vẫn có tình trạng doanh nghiệp đổ tro xỉ, mùn cưa ra sông Mã. Chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp thu dọn tro xỉ, tập kết lại để xử lý chứ không được xả ra sông Mã”, ông Tự nói.
Khi phóng viên hỏi tại sao H.Quan Hóa không thực hiện như H.Bá Thước bằng biện pháp nếu thấy điểm nghi ngờ thì sẵn sàng dùng nhân lực, máy móc để đào lên xem doanh nghiệp có chôn ống xả thải ngầm trái phép hay không?. Vấn đề này ông Tự cho biết quá trình kiểm tra không phát hiện điểm nào nghi ngờ, nên không đào bới. Ông Tự cũng cho hay, nếu có xả thải trái phép, thì các doanh nghiệp ở Quan Hóa sẽ thực hiện tinh vi hơn, khó phát hiện hơn chứ không đơn thuần như kiểu làm của một số doanh nghiệp ở H.Bá Thước, là lộ liễu chôn ống ngầm.

Tính đến ngày 15.3, tại H.Bá Thước đã phát hiện 3/5 cơ sở chế biến lâm sản xả thải hoặc để nước thải chưa qua xử lý chảy ra sông Mã

ẢNH MINH HẢI

Về hướng kiểm soát các cơ sở có nguy cơ xả thải trái phép, ông Tự cho hay, ngày 13.4, UBND H.Quan Hóa đã quyết định thành lập 5 tổ công tác, mỗi tổ từ 4 - 6 cán bộ để thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn H.Quan Hóa, trong khoảng thời gian 1 tháng.
Theo ông Tự, trong khi chờ lắp đặt hệ thống camera theo dõi việc xử lý nước thải trong quá trình hoạt động, thì các tổ giám sát sẽ túc trực, giám sát hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, vì khi có hoạt động sản xuất thì hệ thống xử lý nước thải bắt buộc phải hoạt động.
“Nếu phát hiện doanh nghiệp nào đang sản xuất, mà không chạy hệ thống xử lý nước thải sẽ lập biên bản và xử lý nghiêm theo quy định”, ông Tự nói.

Cá trên sông Mã chết đã lan sang huyện thứ 2

ẢNH MINH HẢI

Đáng chú ý, tại H.Quan Hóa có 9 cơ sở sản xuất đũa, giấy thế nhưng trong 9 cơ sở này chỉ có 2 cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được nghiệm thu, phê duyệt; 7 cơ sở chưa được nghiệm thu, phê duyệt nhưng vẫn hoạt động thời gian qua.
Ông Trương Nho Tự khẳng định, việc các cơ sở chưa được nghiệm thu ĐTM nhưng vẫn hoạt động là không đúng theo quy định. Tuy nhiên, ông Tự lý giải vẫn để cho các đơn vị hoạt động, vì đó là “thói quen” từ xưa đến nay.
Hiện tượng các loài thủy sản trên sông Mã chết bất thường, nước sông có màu đen, bốc mùi hôi tanh đã diễn ra từ ngày 15.3 đến nay. Và hiện tượng này đã không còn dừng lại trong địa bàn H.Bá Thước, mà đã lan đến H.Cẩm Thủy (Thanh Hóa), khi từ sang ngày 14.4, cá lồng và cá tự nhiên trên sông Mã đoạn chảy qua xã Cẩm Thành (H.cẩm Thủy) chết trắng hàng loạt, với số lượng gần 13 tần (chết trong ngày 14.4).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.