Nỗi ám ảnh bụi đen hàng thập kỷ của người dân Đất mỏ

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
01/03/2021 18:01 GMT+7

Nhiều năm nay, hàng nghìn hộ dân TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh) luôn phải "sống chung" với bụi đen phát tán từ các khai trường khai thác than, nhà máy nhiệt điện với nhiều nỗi ám ảnh.

"Sống chung" với bụi

Là thành phố bên bờ vịnh Bái Tử Long thơ mộng nhưng Cẩm Phả có tới 4 nhà máy nhiệt điện, 1 nhà máy xi măng; cùng với hàng loạt công trường khai thác than. Đi kèm với đó là những bãi chứa tro xỉ đang quá tải, bãi thải mỏ sừng sừng như núi. 
Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh, địa phương này có 59 dự án khai thác than, với 6 bãi thải lớn của ngành than đang hoạt động. Trong khi đó, mỗi năm các đơn vị thuộc TKV thải khoảng từ 250 - 300 triệu m3 đất đá tại các mỏ lộ thiên và gần 1,3 triệu m3 xít thải của các nhà máy tuyển than. 
Đáng chú ý, các bãi đổ thải sau hàng chục năm hình thành như những quả núi đất nhân tạo. Trong số đó, TP.Cẩm Phả chiếm đa số, có thể kể đến như: Cọc Sáu cao 280 m, Nam Đèo Nai cao 200 m, Đông Cao Sơn cao 300 m.

Bụi than đen xì xộc vào nhà dân tại P.Mông Dương

Ảnh N.H

Điều đáng nói, phía dưới những quả “bom bùn” ấy là hàng nghìn hộ dân TP.Cẩm Phả từ hàng chục năm nay luôn phải lĩnh đủ bùn đất trôi vào làm hư hại tài sản, nhà cửa, vườn tược mỗi khi mưa lớn; hay bụi đen phát tán chùm xuống các khu dân cư.
Ám ảnh nhất là hàng trăm hộ dân tại P.Mông Dương (TP.Cẩm Phả), suốt mấy tháng qua, dọc hai bên đường, nhiều nhà dân luôn phải “cửa đóng then cài” để tránh bụi, hoặc cây cối đổi màu vì bụi bám. Thậm chí, không ít hộ đã phải đầu tư 2 lớp cửa để ngăn bụi đen xâm nhập mà không bớt đi phần nào.
Ông Nguyễn Đình S. (khu 4, P.Mông Dương) cho biết: “Cách đây 3 năm, gia đình ông đầu tư hơn 30 triệu đồng làm 2 lớp cửa nhưng vẫn không tránh khỏi bụi than bay vào trong nhà. Sau một ngày quên không lau dọn, chỉ cần lấy tay quệt nhẹ vào các đồ vật là thấy bụi đen sì”.
Kinh hoàng nhất với người dân P.Mông Dương là những hôm có gió nam, bụi đen từ các bãi thải mỏ, khí thải của nhà máy nhiệt điện bay tứ tung ra ngoài và chịu khổ cuối cùng là trăm hộ dân nằm dưới chân các bãi thải mỏ, liền kề nhà máy nhiệt điện.
Ông Nguyễn Quang Tuấn (70 tuổi, P.Cửa Ông, TP.Cẩm Phả) cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bụi than từ các công trường, nhà máy xộc vào nhà đã kéo dài từ hàng chục năm nay.
“Chúng tôi hiểu rằng sống ở thành phố công nghiệp mỏ nên hàng ngày bị bụi than gây ảnh hưởng đến cuộc sống là khó tránh khỏi. Thế nhưng, rất mong các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để giảm thiểu ô nhiễm hơn nữa. Đời chúng tôi đã sống cùng bụi than rồi, không muốn con cháu cũng bị theo”.

Chi hàng trăm tỉ mỗi năm để xanh hóa khai trường 

Vấn đề ô nhiễm môi trường từ quá trình khai thác than, nhiệt điện tại Quảng Ninh được nêu ra trong nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh này từ hàng chục năm nay. Nhiều giải pháp đã được cả chính quyền địa phương và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, cuộc sống người dân trong quá trình khai thác than.
Theo TKV, từ 2016 - 2020, mỗi năm, tập đoàn dành nguồn kinh phí đầu tư khoảng 700 tỉ đồng cho công tác bảo vệ môi trường các dự án khai thác tại Quảng Ninh. Đặc biệt, vấn đề xanh hóa khai trường được ưu tiên hàng đầu.
5 năm qua, tập đoàn đã trồng cây phủ xanh trên 1.825 ha bãi thải, gồm các bãi thải như: Nam Khe Tam - Đông Khe Sim, Đông Cao Sơn, Chính Bắc Núi Béo... Sau nhiều năm, những đồi keo, phi lao... trồng trên các bãi thải mỏ cũng đã bám rễ sâu, giữ đất, giữ đá, góp phần hạn chế việc đất đá trôi, sạt lở xuống các hộ dân.

Hệ thống phun sương hơi nước tự động được các công ty than tại Quảng Ninh đầu tư nhằm ngăn ngừa bụi phát tán

Ảnh Phạm Tăng

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện TKV cho biết, tính đến cuối năm 2020, tập đoàn đã cải tạo, phục hồi được trên 1.000 ha bãi thải mỏ. Riêng với địa bàn P.Mông Dương, nơi đang chịu tác động từ bãi thải Đông Cao Sơn, TKV đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng số lượng thiết bị tưới đường, bố trí tối thiểu 5 xe tưới nước cố định và thường xuyên cắt cử công nhân thực hiện phun nước dập bụi tại khu vực; đầu tư 2 hệ thống phun sương cao áp dập bụi bãi thải.
Về phía chính quyền, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả, khẳng định địa phương này thường xuyên lập các đoàn giám sát các doanh nghiệp ngành than việc đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất.
“Tất cả các kiến nghị của người dân liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường đều được địa phương báo cáo lên UBND tỉnh và TKV phối hợp xử lý. Đơn cử như vấn đề phát tán bụi của bãi thải Đông Cao Sơn đã được doanh nghiệp tiếp thu và sau đó đầu tư hệ thống phun sương dập bụi tự động”, ông Cường nói.
Các giải pháp trên đã phần nào góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tuy nhiên, người dân cho rằng, chính quyền cần phải mạnh tay hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư và đưa ra nhiều giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này.
Không thể để người dân đất Mỏ - nơi có vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới, ngày ngày sống trong cảnh ô nhiễm khói bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.