Kiến nghị ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi

Chí Hiếu
Chí Hiếu
15/06/2021 15:37 GMT+7

Hiệp hội Năng lượng kiến nghị tăng công suất đặt điện gió ngoài khơi tới năm 2030 lên 15.000 - 20.000 MW, thay vì chỉ dừng ở 2.000 - 3.000 MW như tại dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Ban Chấp hành T.Ư và các bộ, ngành liên quan về việc đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho ngành điện Việt Nam.
Nội dung đáng chú ý là tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030 lên 15.000 - 20.000 MW.
Theo Hiệp hội, điện gió ngoài khơi có rất nhiều ưu việt vì có tốc độ gió lớn trên 10 m/giây; lượng gió quanh năm từ 5.000 giờ trở lên, lắp được tua bin lớn công suất trên 10 MW tạo ra sản lượng điện hàng năm hàng tỉ kWh. Cùng với đó, trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi đang là xu thế lớn.

Bộ Công thương đang nghiên cứu cơ chế giá cho việc đấu thầu năng lượng tái tạo

Ảnh Ngọc Thắng

Tại hội thảo theo hình thức trực tuyến cuối tuần qua về vấn đề này, Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công thương xem xét tăng tỷ trọng điện gió tại Quy hoạch điện VIII lên 10.000 MW, thay vì đang dự tính 3.000 MW cho giai đoạn đến năm 2030 như trong bản dự thảo cuối cùng đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Cùng với đó, GWEC cho rằng, nếu không kéo dài chính sách giá cố định (FIT) trong vòng 2 năm như kiến nghị của các nhà đầu tư và một số hiệp hội năng lượng thì Chính phủ có thể nghiên cứu thí điểm chính sách giá cố định cho 4.000 - 5.000 MW điện gió ngoài khơi, trước khi chuyển sang thực hiện cơ chế đấu thầu để đánh giá, rút kinh nghiệm vì hiện chưa có dự án ngoài khơi nào được thực hiện ở Việt Nam.
Theo bà Liming Quiao, Giám đốc khu vực của GWEC, điểm mạnh của điện gió ngoài khơi là hiệu suất cao, khoảng 29 - 52%, gấp đôi điện mặt trời, cao hơn điện gió trên bờ và tương đương điện khí. Cùng với công nghệ mới, hiệu suất của điện gió ngoài khơi tăng thêm 2,5% mỗi năm, nên loại năng lượng này có thể chạy phụ tải nền với nguồn khá ổn định.
“Hiện suất đầu tư mỗi MWh điện gió ngoài khơi khoảng 83 USD, giảm hơn 4 lần trong vòng 10 năm (255 USD/1 MWh năm 2010). Dự kiến mức giá này giảm còn 58 USD vào 2025 nếu thị trường đạt tới công suất lắp đặt nhất định, ít nhất cỡ 5.000 MW”, bà Liming Quiao nói.

Mới chỉ quy hoạch 2.000 - 3.000 MW

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Thanh Niên, giải trình mới nhất của Viện Năng lượng, (đơn vị tư vấn lập quy hoạch điện VIII), thì tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm đến gần 30% tổng nguồn điện đến năm 2030. Thế nhưng đối với điện gió ngoài khơi theo kịch bản cơ sở đến năm 2030 công suất lắp đặt chỉ 2.000 MW (chiếm tỷ lệ 1,45%) và đối với kịch bản cao là 3.000 MW, chiếm tỷ lệ 2%.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 15.6, lãnh đạo Cục Điện lực và nng lượng táo tạo (Bộ Công thương) cho biết, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Chính phủ yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đơn vị tư vấn đã giải trình và hiện Bộ đã gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành lần cuối để trình lại Chính phủ trong vài ngày tới.
“Trong đó, cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo dự kiến phải giảm xuống, vì vừa qua cũng có ý kiến lo ngại chúng ta đang phát triển nóng loại hình này, gây khó khăn cho điều độ hệ thống điện”, vị này thông tin.
Về kiến nghị gia hạn giá FIT cho điện gió, ông cho biết, bản tổng hợp ý kiến các bộ, ngành mà Bộ Công thương vừa lấy ý kiến theo chỉ đạo của Chính phủ cho thấy các bộ, ngành không đồng ý gia hạn.
“Chúng tôi đang xây dựng cơ chế đấu thầu cho điện mặt trời trang trại, cơ chế đấu thầu cho điện gió trên bờ. Riêng với điện gió ngoài khơi, đúng là chúng ta chưa có thực tiễn, kinh nghiệm nên chúng tôi cũng đang nghiên cứu thêm ý kiến của nhiều bên, nhất là các tư vấn độc lập để làm sao có một cơ chế phù hợp cho điện gió ngoài khơi”, lãnh đạo này nói.
Chia sẻ vấn đề này, ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc Orsted Việt Nam, một tập đoàn năng lượng lớn của Đan Mạch đang nghiên cứu các dự án điện gió tại Việt Nam, cho rằng không phải cứ thực hiện cơ chế đấu thầu ngay là có mức giá thấp hơn giá FIT. Thậm chí, nếu không có giai đoạn chuyển tiếp từ giá FIT chuyển sang cơ chế đấu thầu, giá điện có thể tăng cao hơn.
“Lý do là vì đầu tư của ngành điện gió ngoài khơi rất phức tạp, cần sự hợp tác giữa các nhà phát triển dự án và chính quyền, xây dựng được chuỗi cung ứng ngay tại địa phương để giảm giá đầu tư”, ông Sebastian lập luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.