Hiện thực giấc mơ thành phố hai bờ sông Hồng

27/04/2021 10:24 GMT+7

TP.Hà Nội đang đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch nhiều khu vực thành phố, nhưng thu hút quan tâm nhất vẫn là đồ án quy hoạch thành phố hai bờ sông Hồng dự kiến được phê duyệt vào tháng 6 tới.

Hà Nội sẽ phát triển quay mặt vào sông Hồng

Theo Thành uỷ Hà Nội, với 7 lần quy hoạch thủ đô đều nhắc đến sông Hồng, đến nay, quy hoạch phân khu sông Hồng lần đầu tiên hình thành. Bản quy hoạch này đang được các bộ, ngành liên quan cho ý kiến để tiến tới phê duyệt vào tháng 6 tới. Đồ án mà Hà Nội gửi lấy ý kiến, quy hoạch thành phố sông Hồng nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Phạm vi ranh giới: phía bắc đến đê tả ngạn và phía nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Tổng dân số tính toán theo quy hoạch khoảng 280.000 - 320.000 người (tăng 150.000 - 152.000 người so với nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, do dự án này đã trải qua quá nhiều năm xây dựng).
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khái quát, trước đây "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng", nhưng với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang xin ý kiến, "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển". Sông Hồng sẽ là trung tâm, từ đó phát triển hài hoà hai bên bờ sông. Đôi bờ sông là trục vành đai xanh, cảnh quan đô thị, ở đó nhấn mạnh yếu tố văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông.

Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển, đánh thức tiềm năng bờ Đông còn ngủ quên

Ảnh Ecopark

Theo Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện đã hoàn thành 36/38 quy hoạch phân khu trong triển khai định hướng Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Cũng theo ông Tuấn, quá trình phát triển, Hà Nội từ chỗ chỉ có 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng (năm 1954), đến nay đã có tổng số 12 quận nội thành, thêm 8 quận: Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm. Mục tiêu đến năm 2025, các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm sẽ lên quận. Đến năm 2030 sẽ có thêm 3 quận: Thanh Oai, Thường Tín và Mê Linh. Với định hướng phát triển như vậy, trong thời gian tới, hạ tầng Hà Nội và vùng lân cận sẽ có những bước đổi thay nhanh chóng mặt.
Ông Tuấn nhìn nhận, cùng với quy hoạch sông Hồng đang là niềm mong mỏi của nhiều người, quy hoạch hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ có thêm 10 cái cầu bắc qua sông Hồng, tăng cường khả năng kết nối hai bờ sẽ tạo nguồn động lực rất lớn thúc đẩy phát triển. Đồng thời, thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ của bờ Đông đã dồn nén nhiều năm qua do thiếu quy hoạch. Quy hoạch khi được phê duyệt sẽ giống như cởi nút trói cho phát triển thành phố hai bờ sông Hồng.

Tầm nhìn đón quy hoạch thành phố ven sông Hồng

Theo tìm hiểu, tỉnh Hưng Yên gần đây đã có một số điều chỉnh quy hoạch ven sông Hồng khu vực tiếp giáp với Hà Nội theo hướng tăng cường cây xanh, hồ nước, cảnh quan phù hợp với định hướng quy hoạch thành phố sông Hồng. Các chuyên gia cho rằng với phạm vi đồ án quy hoạch sông Hồng từ cầu Hồng Hà (H.Đan Phượng) đến cầu Mễ Sở (H.Thường Tín), khi được phê duyệt sẽ tạo tiền đề thuận lợi chưa từng có để đánh thức tiềm năng hai bờ sông. Từ tiền đề đó, sẽ định hướng hình thành nên thành phố ven sông được đầu tư bài bản, hiện đại.

Cuộc sống xanh tại Thành phố xanh Ecopark là xu hướng tương lai khi Hà Nội quay mặt vào sông Hồng để phát triển

Ảnh Ecopark

Thực tế, không phải chỉ khi Hà Nội rốt ráo đẩy mạnh quy hoạch hai bên bờ sông thì khái niệm thành phố ven sông Hồng mới được nhắc đến. Tại bờ Đông sông Hồng đến nay đã và đang hình thành một số “siêu” dự án như Thành phố xanh Ecopark, (H.Văn Giang, Hưng Yên); Vinhomes Ocean Park (H.Gia Lâm, Hà Nội); khu đô Thị Đại An; Dream Land thuộc Hưng Yên… Hàng tỉ USD đang được các nhà đầu tư lớn đổ vào vùng đất bờ Đông sông Hồng sẽ làm dần hình thành trung tâm mới. Việc các doanh nghiệp có thương hiệu lớn Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Vinhomes, Him Lam, Geleximco, Công ty TNHH Xuân Cầu… đã thể hiện chiến lược, tầm nhìn xa của doanh nghiệp vào vùng đất tiềm năng. Thực tế, giao dịch bất động sản tại những khu đô thị này luôn là nơi thu hút mối quan tâm hàng đầu của những nhà đầu tư có tầm nhìn.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Thành phố xanh Ecopark - khu đô thị từng dành được ‘giải Oscar’ của ngành bất động sản thế giới với giải thưởng đô thị có thiết kế cảnh quan đẹp nhất thế giới. Ecopark có quy mô trên 500 ha, với tổng mức đầu tư 10 tỉ USD, sở hữu hơn 100 ha cây xanh mặt nước, hồ cảnh quan 54 ha, hơn 1 triệu cây xanh. Với vị trí đắc địa cùng định hướng đầu tư bài bản, công phu, dẫn đầu xu hướng, Thành phố xanh Ecopark được nhiều người xác định là đô thị trung tâm của thành phố phía Đông Hà Nội. Định hướng phát triển Thành phố xanh Ecopark thể hiện tầm nhìn xu hướng phát triển đô thị ven sông nổi tiếng như New York bên dòng Hudson, Paris bên dòng sông Seine, Melbourn bên sông Yarra… và ngay như TP.HCM phát triển dọc hai bên bờ sông Sài Gòn và Vảm Cỏ Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.