Hà Nội: Nhà máy chậm di dời, dân khốn khổ vì ô nhiễm

25/03/2021 15:48 GMT+7

Hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm vẫn “án binh bất động” trong nội thành Hà Nội đang gây bất an cho cuộc sống người dân xung quanh.

Dựa trên cơ sở quan trắc môi trường và đối chiếu các đồ án quy hoạch trên địa bàn, năm 2015, UBND TP.Hà Nội chính thức thành lập Ban chỉ đạo di dời tổng số 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ hoàn tất. Trong đó, Q.Đống Đa 15 cơ sở; Q.Ba Đình 2 cơ sở; Q.Cầu Giấy 2 cơ sở; Q.Hai Bà Trưng 18 cơ sở; Q.Hoàn Kiếm 6 cơ sở... Tuy nhiên theo con số mới nhất từ Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện nay mới có 67 cơ sở sản xuất di dời ra các khu, cụm công nghiệp ngoại thành hoặc tỉnh lân cận.
Trong số này, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp lớn trong diện phải di dời nhưng vẫn còn hoạt động trên địa bàn thành phố như Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (460 Trần Quý Cáp), Nhà máy Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)... Những cơ sở này được xây dựng nằm sát khu dân cư, nên khi đi vào hoạt động lại gây ra tiếng ồn, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân khu vực.

Một số nhà máy thuộc diện di dời trong đó có Nhà máy Thuốc lá Thăng Long

Ảnh Khánh Huyền

"Đi không được, ở cũng không xong"

Đơn cử như đơn vị sản xuất giấy và in ấn thuê mặt bằng tại địa chỉ 460 Trần Quý Cáp đã khiến nhiều người dân không thể sống được vì mùi hóa chất và những tiếng ồn từ hoạt động sản xuất suốt ngày đêm. Không chỉ đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, người dân còn phải sống trong sự lo lắng về nguy cơ cháy nổ. Năm 2018, cũng tại khu vực này đã từng xảy ra hỏa hoạn nhưng rất may đã được khống chế và không gây thiệt hại nhiều về tài sản. Bà N.T.Q (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi gần khu vực Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu đường, trong đó có các bên tư nhân thuê nhà xưởng, mặt bằng; xe ở đó đi lại nhiều nên rất ồn ào. Nhưng điều gây khó chịu nhất là mỗi lần có gió mùa mùi hóa chất lại bay sang nhà tôi. Về lâu dài, tôi sợ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe”.
Chị N.T.H.H (Trần Quý Cáp, Hà Nội) cũng bức xúc: “Mỗi khi ở nhà không dám mở cửa vì toàn mùi hóa chất in ấn và nước giặt là. Có những ngày tôi được nghỉ phép, các nhà máy, nhà xưởng hoạt động gây ồn ào, tiếng máy móc phát ra ầm ầm, nhiều ô tô xe máy ra vào vận chuyển không ngừng nghỉ khiến tôi không thể ngủ ngon được. Khổ một nỗi vì mưu sinh nên gia đình tôi vẫn phải ở đây chứ không thể chuyển đi nơi khác.”

Rác thải và phế liệu, tiếng ồn... tại 460 Trần Quý Cáp gây ảnh hưởng môi trường sống của người dân xung quanh

Ảnh Khánh Huyền

Sự chậm trễ trong công tác di dời, theo Hà Nội do nguồn vốn còn thiếu và việc xây dựng cơ sở mới chưa được bố trí, chưa có phương án xã hội hóa; chưa xây dựng cơ chế chính sách về tài chính phù hợp để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân cũng có một nguyên nhân khác do các cơ sở này chây ì, muốn giữ đất để cho thuê, mặc kệ việc ô nhiễm làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Người dân Hà Nội mong muốn, thành phố cần có quy định, cơ chế, điều luật để xử lý các nhà máy, cơ sở sản xuất vi phạm. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia cũng cần có phương pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp chủ động trao trả quỹ đất. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.