Bảo tồn 200 loài cây thuốc bản địa quý, hiếm ở Sa Pa

12/05/2021 12:08 GMT+7

Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa đang bảo tồn và gìn giữ hơn 200 loài cây thuốc, nhiều loài bản địa có giá trị cao về dược liệu và bảo tồn ở Sa Pa (tỉnh Lào Cai).

Theo một công bố mới đây, Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa (TX.Sa Pa, Lào Cai) đang bảo tồn và gìn giữ hơn 200 loài dược liệu, trong đó có nhiều loài bản địa có giá trị cao về dược liệu và bảo tồn ở Sa Pa.
Công tác nghiên cứu, lưu giữ các loài thuốc này nằm trong định hướng bảo tồn và phát triển dược liệu của Bộ Y tế. Trung tâm đang tiến hành các nghiên cứu chuyên sâu về trồng trọt, dược tính, đánh giá sự thích nghi và nhân giống nhiều loài loài thuốc này để phát triển dược liệu trong nước.
Đặc biệt, trong số 200 loài cây thuốc quý bảo tồn tại Sa Pa hiện nay, có trên 40 loài cây thuốc quý có tên trong Danh lục đỏ cây thuốc (2006) và Sách đỏ Việt Nam (2007).
Điển hình là các loài sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang, bảy lá một hoa (Paris L.), ngũ gia bì (Acanthopanax Dence & Planch)... Nhiều loài cây thuốc đã được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) và trung tâm khảo nghiệm, cung cấp giống và tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị và hộ dân sản xuất ở nhiều vùng sinh thái phù hợp trên phạm vi cả nước như sâm Ngọc Linh, actiso, đương quy Nhật Bản, đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì gai...
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Văn Hào, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, cho biết ngoài giống thuốc bản địa, hiện có nhiều cây thuốc nhập nội đã được đánh giá khả năng thích nghi, nhân giống, khảo nghiệm và sản xuất dược liệu như cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, tam thất hoang, đương quy Nhật Bản, actiso, vân mộc hương, đỗ trọng, giảo cổ lam, bạch truật, hoàng liên gai, huyền sâm, khương hoạt...
“Nhu cầu dược liệu trong nước càng gia tăng và hiện có nhiều loại cây thuốc như actiso, đương quy, cát cánh, đan sâm nghiên cứu phát triển sản xuất và chế biến các sản phẩm dược liệu”, ông Hào nói.
Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa, tiền thân là Vườn cây thuốc Sa Pa, thành lập năm 1959, trực thuộc Viện Đông y, sau đổi tên thành Trạm Nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa trực thuộc Viện Dược liệu từ năm 1961.
Ngày 31.8.200, Bộ Y tế ra quyết định nâng cấp thành Trung tâm Nghiên cứu dược liệu Sa Pa. Đây là đơn vị có chức năng điều tra, đánh giá nguồn tài nguyên dược liệu khu vực miền núi phía bắc; nghiên cứu chọn, tạo giống, nuôi trồng, chế biến và bảo quản dược liệu; nghiên cứu bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống dược liệu; tư vấn, đào tạo và chuyển giao quy trình công nghệ nuôi trồng và chế biến dược liệu; tổ chức sản xuất, kinh doanh giống, dược liệu và các sản phẩm khác từ dược liệu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.