Kinh tế 'vượt bão' dịch bệnh

06/07/2021 05:55 GMT+7

Đà Nẵng thoát tăng trưởng âm, 2 đầu tàu kinh tế là TP.HCM và Hà Nội vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ năm 2020... góp phần đưa GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 5,64% bất chấp dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với tốc độ nhanh hơn, tình trạng nghiêm trọng hơn.

 

Các trụ cột đều giữ “phong độ”

Giữa tháng 5, khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 doanh nghiệp nước ngoài với số vốn lên đến gần 1 tỉ USD.

Trong khi các quốc gia còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của Covid-19, Việt Nam có thể đảm bảo rằng các công ty ở đây vẫn tiếp tục hoạt động bình thường mà không có nhiều gián đoạn. Điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiếp thêm niềm tin cho lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thành viên EuroCham đều tích cực về tương lai của chính công ty họ và lạc quan về triển vọng môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Chỉ số BCI (chỉ số môi trường kinh doanh) - thước đo hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên của EuroCham và góc nhìn của họ về triển vọng kinh tế ở Việt Nam - đã tăng trở lại mức trước khi có Covid-19. Đây là một thành tựu đáng kể và là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu song song là vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.    Ông Alain Cany

(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham)

Trước đó, Long An nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước khi chính thức cấp phép cho dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỉ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện. Trong lĩnh vực điện, Cần Thơ “đóng dấu” chứng nhận cho dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỉ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia.
Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Hà Nội... cũng đón nhiều dự án mới bên cạnh những dự án cũng tăng quy mô, mở rộng đầu tư. Tính đến hết ngày 20.6, Việt Nam đã thu hút được hơn 15 tỉ USD vốn FDI, nhưng điều đáng mừng hơn các con số là dòng vốn này chảy mạnh nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo theo đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm là xuất khẩu vẫn giữ vững “phong độ” với kim ngạch đạt trên 157 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Câu lạc bộ tỉ USD đã có 25 thành viên, trong đó 5 ngành hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD. Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ đều có mức tăng trưởng mạnh. Đây là kết quả của nỗ lực "dọn ổ" mà Chính phủ thực hiện để đón các “đại bàng” công nghệ trên thế giới tiếp tục mở rộng cũng như đầu tư mới vào Việt Nam như Intel, Apple, Pegatron và Foxconn... Các sản phẩm chủ lực của nền kinh tế như nông, thủy sản cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như gạo với sự thay đổi ngoạn mục từ lượng sang chất khi nhiều thời điểm, gạo Việt có giá xuất khẩu cao nhất thế giới, vị trí mà Thái Lan thống trị nhiều thập kỷ nay. Chúng ta cũng lần đầu tiên có thương hiệu gạo đoạt giải ngon nhất thế giới. Hay trái vải Việt Nam bay thẳng sang nhiều nước trong khối EU, Nhật... thay vì phải kêu gọi giải cứu như mọi năm.
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2021 không thể không kể đến một tín hiệu hết sức lạc quan, đó là số lượng doanh nghiệp mới thành lập cao kỷ lục với 67.100 đơn vị. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) đánh giá, con số này cao nhất tính theo giai đoạn 6 tháng từ trước đến nay.
Có thể thấy, các trụ cột của nền kinh tế đều giữ “phong độ” đã giúp GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% bất chấp dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 5.7: Ngày “kỷ lục” 1.102 ca, chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt người ra vào TP.HCM

Linh hoạt chống dịch và phát triển kinh tế

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định kết quả kinh tế của 6 tháng đầu năm vừa qua có một đặc điểm khác biệt ở chỗ đó là hợp lực của 2 nhiệm kỳ Chính phủ, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó nhiệm kỳ sau mới chỉ có 3 tháng hành động. Do đó, phải nhận định rằng thành tích tăng trưởng nổi bật 5,64% là kết quả của việc điều hành phát triển theo một chủ trương nhất quán là kiên quyết chống dịch để đạt mục tiêu kép.
Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh điểm nổi bật trong hoạt động của Chính phủ nhiệm kỳ mới: Đó là cách làm. Chính phủ mới tiếp tục phát huy cách chống dịch được triển khai từ nhiệm kỳ Chính phủ trước và đang chứng tỏ hiệu quả, đồng thời, chuyển hướng hành động kịp thời và quyết liệt sang giai đoạn miễn dịch cộng đồng để giữ nhịp tăng trưởng và đưa nền kinh tế thoát dịch sớm.
Để đạt mục tiêu, Chính phủ tập trung cao độ cho việc chống dịch ở các trọng điểm công nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, kết hợp với chỉ đạo ráo riết phòng và chặn dịch, bảo vệ an toàn cho các tọa độ kinh tế quan trọng như Đồng Nai, Hải Phòng, Quảng Ninh… theo phương châm: “thần tốc, truy vết, khoanh vùng rộng, cách ly hẹp” rất linh hoạt, bảo đảm phát huy tính chủ động sáng tạo địa phương và trách nhiệm cá nhân. Ở một khía cạnh khác, thay vì “dốc sức cao độ” cho việc truy vết, tạo giãn cách và cách ly xã hội, Chính phủ mới còn chuyển hướng ưu tiên sang vắc xin cộng đồng, theo đúng nguyên lý cơ bản của chống dịch. Cách làm này, hy vọng giúp phát huy thành tích chống dịch của giai đoạn trước, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh, không lâm vào nguy cơ “đánh mất lợi thế thoát dịch sớm” mà Việt Nam tạo lập được.
“Trong tình thế khó khăn và khốc liệt vừa qua, những gì mà Chính phủ mới đã làm và làm được đủ để mở ra hy vọng và tạo niềm tin tích cực cho người dân và doanh nghiệp”, TS Trần Đình Thiên nhận định.
Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, phân tích từ khi chuyển giao một phần Chính phủ nhiệm kỳ 14 từ tháng 4 đến trước khi bước vào nhiệm kỳ 15 hiện nay, nền kinh tế có một điểm rất bất lợi, đó là sự bùng phát lần thứ 4 đại dịch Covid-19. Lần bùng phát này nghiêm trọng hơn các lần trước, vì dịch bệnh lây lan trên diện rộng và lây lan trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó lại nổi bật những cách điều hành chính sách của Chính phủ.
“Thứ nhất về chống dịch, Chính phủ đã thay đổi một quan điểm rất cơ bản từ việc chống dịch có hiệu quả nhưng bị động sang tấn công chủ động. Tấn công chủ động quan trọng là đẩy nhanh một cách đột phá về vắc xin, kể cả việc tiêm vắc xin cũng như giải pháp lâu dài là sản xuất vắc xin. Thứ hai là vẫn tiếp tục mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, nhưng lần này, Chính phủ đã cân đối hài hòa để các biện pháp kiểm soát dịch đủ cần thiết mà không đến mức ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội. Đó là cách sáng tạo trong lần chống dịch này của Chính phủ”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Dẫn chứng việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM), sau khi công ty kiến nghị cấp phép khẩn cấp vắc xin Nano Covax, TS Trần Du Lịch cho rằng với những vấn đề quan trọng, đang được dư luận quan tâm đặc biệt nhưng có các ý kiến khác nhau, Thủ tướng đã thực địa ngay, xem tận mắt, tận nơi và nghe ý kiến nhiều chiều để có quyết sách đúng là cách điều hành hết sức sâu sát.
“Đây là điểm sáng ở chính Thủ tướng, đó là tinh thần trăm nghe không bằng một thấy. Nó tạo lòng tin cho người dân, doanh nghiệp rằng các cơ chế, chính sách, quyết sách xuất phát từ thực tiễn chứ không phải làm trong phòng lạnh. Từ đó hiệu quả và những tác động của chính sách lên cuộc sống sẽ rất thiết thực”, ông Lịch nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.