Kinh tế Trung Quốc tháng 11 tiếp tục sụt giảm

08/12/2015 16:40 GMT+7

Lượng hàng hóa cả xuất lẫn nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đều giảm, theo số liệu thống kê Bắc Kinh công bố ngày 8.12.

Lượng hàng hóa cả xuất lẫn nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đều giảm, theo số liệu thống kê Bắc Kinh công bố ngày 8.12.

Cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc đều sụt giảm trong tháng 11, theo thống kê chính thức công bố ngày 8.12 - Ảnh: AFPCả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Trung Quốc đều sụt giảm trong tháng 11, theo thống kê chính thức công bố ngày 8.12 - Ảnh: AFP
AFP trích dẫn báo cáo từ hải quan Trung Quốc cho biết trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 197,2 tỉ USD. Mức độ giảm này tệ hơn dự đoán 5% trong một cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế do hãng tin Bloomberg tiến hành.
Lượng hàng xuất bán ra nước ngoài đã giảm hằng tháng tính từ đầu năm đến nay, ngoại trừ tháng 2, thời điểm lượng hàng xuất khẩu mặc nhiên thấp vì ảnh hưởng bởi tết âm lịch.
Tương tự, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 giảm mạnh đến 8,7%, xuống mức 143,1 tỉ USD. Đây là tháng sụt giảm thứ 13 liên tiếp, theo số liệu thống kê.
Tuy nhiên, con số này lạc quan hơn mức giảm dự đoán 11,9% của Bloomberg và thấp hơn so với mức giảm đến gần 19% hồi tháng 10.
Giới phân tích cho rằng các biện pháp nới lỏng tiền tệ, cùng với việc giá cả hàng hóa toàn cầu giảm mạnh hồi cuối năm ngoái là nguyên nhân khiến xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi xuống.
“Mặc dù xuất khẩu suy yếu thể hiện bằng sức tiêu thụ ở nước ngoài vẫn giảm, nhưng sự hồi phục của nhập khẩu là dấu hiệu cho thấy nhu cầu nội địa đang tăng trở lại nhờ các chính sách”, AFP dẫn lời Julian Evans-Pritchard, chuyên gia thuộc hãng phân tích thị trường Capital Economics (Anh), nói.
Chính phủ Trung Quốc đã chuyển sang thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Bắc Kinh đã cắt lãi suất đến 6 lần kể từ tháng 11.2014.
Các chuyên gia thuộc tập đoàn tài chính ANZ (Úc) dự đoán nhập khẩu Trung Quốc sẽ tiếp tục hồi phục vào năm 2016.
Được biết, các nhà đầu tư toàn cầu đã lo ngại trước tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn tăng trưởng 6,9% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, tốc độ tăng chậm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.