Kinh tế Trung Quốc suy yếu

14/04/2015 10:06 GMT+7

(TNO) Dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2015 thấp, số liệu xuất nhập khẩu đáng thất vọng, rủi ro từ lĩnh vực bất động sản... Bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện nay không lạc quan như cách nay ba thập niên.

(TNO) Dự báo tăng trưởng GDP quý 1/2015 thấp, số liệu xuất nhập khẩu đáng thất vọng, rủi ro từ lĩnh vực bất động sản... Bức tranh kinh tế Trung Quốc hiện nay không lạc quan như cách nay ba thập niên.

Thị trường bất động sản là một trong những rủi ro hàng đầu của nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Reuters
CNNBloomberg ngày 13.4 cho hay tăng trưởng quý 1 năm nay của Trung Quốc được nhiều chuyên gia dự báo là sẽ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009.
Cụ thể, tăng trưởng GDP dự kiến ở mốc 7% so với năm ngoái. Đây là mức giảm so với con số 7,3% trong quý 4/2014. Nhìn xa hơn, theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong cả năm nay và năm 2016 đều giảm, đạt lần lượt 6,8% và 6,5%.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc hôm 13.4 cũng vừa công bố số liệu về xuất nhập khẩu kém lạc quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong tháng 3.2015, theo Reuters.
Theo đó, xuất khẩu trong tháng 3 đã giảm 15% so với cùng kỳ năm trước và là con số đáng thất vọng nhất trong vòng một năm qua. Cụ thể, xuất khẩu đi châu Âu giảm 19,1% và xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 24,8%. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán tháng 2 vừa qua và nhu cầu thế giới giảm sút.
Số liệu nhập khẩu cũng giảm 12,7% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu ớt của nước này. Trong đó, nhập khẩu than đá giảm 40%. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng qua là 18,2 tỉ nhân dân tệ, tương đương 2,93 tỉ USD.
Các thông tin trên khiến lo ngại về tình hình kém lạc quan của kinh tế Trung Quốc ngày càng gia tăng, theo Bloomberg. Cuộc khảo sát của các chuyên gia kinh tế CNN chỉ ra rằng các số liệu trên cho thấy nước này cần thực hiện biện pháp kích thích nếu nền kinh tế ảm đạm hơn nữa.
CNN cũng cho hay thị trường bất động sản là một trong những rủi ro lớn nhất của nước này. Từ đầu năm, Bắc Kinh đã cố thúc đẩy lĩnh vực bất động sản bằng cách áp dụng nhiều biện pháp nhằm tăng doanh số và ngăn tình trạng xây dựng ngưng trệ. Song các biện pháp này vẫn chưa đủ.
Chuyên gia kinh tế tại RBS ở Hồng Kông, ông Louis Kuijis, nói: "Dù không dự báo suy giảm mạnh, chúng tôi vẫn cho rằng việc tăng trưởng đang chậm lại do sự yếu kém của địa ốc sẽ tiếp tục trong những tháng tới. Theo kịch bản này, các biện pháp nới lỏng vĩ mô có thể sẽ được thực hiện nhiều hơn để đảm bảo GDP không rớt xuống quá thấp so với mục tiêu 7%".
Ngoài ra, việc vốn đầu tư đang chảy ra khỏi nước và nợ chính quyền địa phương lớn cũng là hai trong nhiều rủi ro khác tồn tại ở Trung Quốc.
Trong ba thập niên qua, Trung Quốc luôn đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, con số này giảm mạnh từ năm ngoái khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ là 7,4%. Dự kiến, Cục Thống kê nước này sẽ thông báo mức tăng trưởng GDP quý 1/2015 vào ngày 15.4, theo CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.