Kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào 'vết xe đổ' Nhật Bản năm 1990?

17/07/2015 10:53 GMT+7

(TNO) Ngay sau khi Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra bảng báo cáo tăng trưởng GDP quý 2 của nước này là 7%, sản lượng công nghiệp là 6,8%, chỉ số bán lẻ đạt mức 10,6% thì thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn liên tục đi xuống trong nhiều ngày qua, cũng không thể khởi sắc hơn.

(TNO) Ngay sau khi Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra bảng báo cáo tăng trưởng GDP quý 2 của nước này là 7%, sản lượng công nghiệp là 6,8%, chỉ số bán lẻ đạt mức 10,6% thì thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn liên tục đi xuống trong nhiều ngày qua, cũng không thể khởi sắc hơn.
Sau thời gian tăng trưởng nóng, kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu đi xuống - Ảnh: AFP
Chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải Shanghai Composite tiếp tục mất khoảng 1,7% xuống còn 3.742 điểm. Tính trong 3 ngày qua, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã mất 6,6%. So với mức cao nhất cách đây 1 năm, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã mất 24%.
Điều đáng quan tâm là những con số báo cáo tích cực trên đã không thể làm nhà đầu tư yên tâm trong khi các nhà phân tích thì đặt dấu hỏi khi mà dữ liệu báo cáo đều vượt qua những con số dự đoán trước đó. Cụ thể, chỉ số GDP dự đoán tăng 6,9%, sản lượng công nghiệp là 6% và chỉ số bán lẻ là 10,2% trong khi theo báo cáo GDP tăng 7%, sản lượng công nghiệp tăng 6,8% và chỉ số bán lẻ là 10,6.
“Chỉ số báo cáo vượt hơn hẳn sự mong đợi chắc chắn sẽ gợi lên câu hỏi về tính xác thực của nó. Con số tăng trưởng thực gần như chắc chắn thấp hơn 1 hoặc 2 điểm phần trăm so với con số báo cáo”, Julian Evans-Pritchard nhà kinh tế học của Capital Economics nhận xét. Đồng quan điểm này, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Louis Kuijs của thị trường chứng khoán London (Anh), cho biết: “Chúng tôi luôn luôn phải vật lộn với những dữ liệu báo cáo chính thức của Trung Quốc”.
Theo nghiên cứu của 2 tổ chức Oxford Economics Ltd. và HSBC Holdings Plc, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu hồi phục rõ ràng thì vẫn còn lý do để lo ngại kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng giá tiêu dùng giảm và tăng trưởng trì trệ như Nhật Bản đã từng gặp phải vào năm 1990.
Mặc dù báo cáo nghiên cứu của 2 tổ chức hoàn toàn độc lập và có những kết luận khác nhau nhưng cả 2 báo cáo đều cho thấy điểm tương đồng giữa 2 nền kinh tế cần phải thận trong. Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh trong suốt thập niên 1980 cho đến khi “bong bóng” thị trường bất động sản và chứng khoán vỡ tung vào năm 1990. Tương tự, kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh trong suốt thập niên qua đã làm cho giá bất động sản tăng vọt đồng thời biến thị trường chứng khoán nước này thành thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới.
Theo phân tích của Oxford Economics, các nhà dự báo đã chậm trễ trong việc nhận ra khả năng tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản sẽ lao dốc như thế nào sau khi bong bóng thị trường bùng nổ cũng như tác hại của nó sẽ kéo dài bao lâu. Các nhà dự báo đã quá lạc quan vào sự tăng trưởng kinh tế đồng thời lại bỏ qua yếu tố lão hóa dân số. Điều tương tự cũng đang xảy ra tại Trung Quốc vào lúc này. Trong khi các dự báo trung hạn hầu hết đều đã được hạ xuống trong những năm gần đây nhưng các nhà dự báo vẫn lạc quan cho dù đã có những lo ngại về kết quả thống kê dân số.
Nhà kinh tế học Adam Slater cho rằng đây có thể được xem là lời cảnh báo cho các nhà quan sát Trung Quốc và nhà đầu tư, đặc biệt một số dấu hiệu đáng lo ngại đang xảy ra như đầu tư quá mức, nợ khu vực tư nhân cao, bong bóng thị trường tài sản…
So với Nhật Bản, nền kinh tế tăng trưởng trung bình 5%/năm từ năm 1985 - 1990, chiếm 8% nhập khẩu thế giới, 12% GDP toàn cầu, 57% GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay chiếm khoảng 10% lượng nhập khẩu thế giới, 11,5% GDP toàn cầu và 38% GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy có những khác biệt về thời điểm và thể chế chính trị giữa 2 nền kinh tế nhưng theo đánh giá từ báo cáo của HSBC Holdings Plc, Trung Quốc có thể rút kinh nghiệm từ những gì đã diễn ra ở Nhật Bản nhưng các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động quyết liệt hơn nữa để tránh rơi vào tình trạng giảm phát, như đã từng xảy ra ở Nhật Bản, do nhu cầu trên toàn thế giới không còn tăng trưởng mạnh như trước thời điểm năm 2008, năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.