Kinh tế số 4.0: Chính sách 'vẽ hay' nhưng làm thì rất dở

Anh Vũ
Anh Vũ
02/05/2019 11:00 GMT+7

Các doanh nghiệp tư nhân cho rằng, muốn phát triển kinh tế số 4.0 , cần cơ chế thực thi cụ thể, chi tiết, thay vì hô hào, làm nửa vời như thời gian qua.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, sáng 2.5 đã diễn ra hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao; việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm phát triển Chính phủ điện tử.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin - Truyền thông, cho biết kinh tế số vận hành chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số, giúp chuyển mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh mới, mang lại hiệu qủa kinh tế cao hơn nhiều lần.
“Chi phí tương tác giao dịch lớn bằng ½ chi phí nhân công. Nếu dùng công nghệ số, dữ liệu vận hành nền kinh tế sẽ giúp chi phí này giảm nhiều lần, tăng được năng suất lao động lên 20-30%”, ông Phúc chia sẻ.
kinh-te-so
Kinh tế số đang phát triển mạnh tại Việt Nam nhưng thiếu cơ chế thực thi Ảnh: Ngọc Thắng
Bàn thêm về kinh tế số, Phó chủ tịch Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc, cho biết điểm yếu nhất nằm ở chỗ hoạch định chính sách “vẽ hay” nhưng triển khai rất dở. Điều này cần phải phải khắc phục, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế số.
“Chúng ta hơn 20 năm có Uỷ ban Quốc gia về Công nghệ thông tin, song bản thân nó thúc đẩy triển khai như thế nào về kinh tế số thì không rõ. Có những hoạch định, thiết kế hoành tráng, có cả nghị quyết của Đảng, nhưng khi triển khai không thực hiện được”, ông Phúc băn khoan.
Đại diện FPT dẫn ví dụ, khu vực công là khu vực quan trọng để tạo cầu cho nền kinh tế. Tất cả đều cần hoạt động số, nhưng đến nay, Chính phủ điện tử, du lịch thông minh, y tế thông minh… thực thi còn rất nửa vời. Từ khoảng cách hoạch định đến thực thi rất lớn do thiếu cơ chế, chính sách ràng buộc trách nhiệm, đặc biệt vấn đề pháp lý từ giao dịch điện tử, hoá đơn và hợp đồng điện tử.
“Tôi có cảm giác chúng ta nói nhiều đến 4.0, thậm chí lãnh đạo tháng nào cũng nói, trong khi lãnh đạo nước khác họ cũng không nói đâu”, Phó chủ tịch FPT bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.