Kinh tế Nhật Bản trì trệ vì người Nhật quá sợ khởi nghiệp?

05/11/2016 12:59 GMT+7

Tổng giá trị của các thương vụ kinh doanh mạo hiểm ở Nhật Bản là 800 triệu USD, thua xa nhiều nước khác như Mỹ, Trung Quốc và cả Israel. Người Nhật quá sợ hãi để gặt hái thành công.

Bài viết dưới đây là nhận định của Michael Schuman, nhà báo sống ở Bắc Kinh và là tác giả quyển sách Khổng Tử và thế giới ông tạo ra.
Trong tất cả số liệu kinh tế đáng sợ mà Nhật Bản thường công bố, thống kê này sẽ làm bạn khiếp sợ: 800 triệu USD. Đây là tổng giá trị các thương vụ vốn kinh doanh mạo hiểm thực hiện ở Nhật Bản trong năm 2015, theo số liệu từ hãng Ernst & Young. Hãy so sánh nó với 72 tỉ USD ở Mỹ, 49 tỉ USD tại Trung Quốc và ngay cả 2,6 tỉ USD của đất nước nhỏ bé Israel.
Đây là con số cực nhỏ và là yếu tố giải thích rất nhiều về việc tại sao nền kinh tế lớn thứ ba thế giới liên tiếp chật vật dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có bơm ra bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Quá ít người Nhật thành lập doanh nghiệp mới.
Lý do khiến họ miễn cưỡng thì rất nhiều và phức tạp. Trước hết, người Nhật dường như ghét rủi ro hơn bất cứ người nước nào khác. Trong báo cáo Global Entrepreneurship Monitor 2014, ít hơn một trong mỗi ba người Nhật đang đi làm cho rằng việc lập công ty mới là lựa chọn nghề nghiệp thông minh, tỷ lệ thấp thứ nhì trong báo cáo. Tâm lý trên nảy nở ở nền văn hóa tuân thủ, vốn ưu ái cho sự ổn định và thành công. 55% doanh nhân tiềm năng Nhật Bản trong cùng khảo sát chia sẻ rằng họ sợ thất bại. Đây là tỷ lệ cao thứ nhì trong số các nước được khảo sát.
Người trẻ Nhật Bản cũng không có đủ kinh nghiệm bên ngoài hệ thống Nhật, điều vốn có thể khuấy động bản năng của việc làm chủ, làm doanh nhân. Theo Viện Giáo dục Quốc tế, chỉ 2% du học sinh ở các trường đại học Mỹ là người Nhật. Số du học sinh Nhật không chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc mà còn sau cả Brazil, Ả Rập Xê Út và Đài Loan. Tệ hơn, số lượng trên còn đang giảm đi.
Thói quen kinh doanh lỗi thời gây thêm trở ngại. Nhiều ngân hàng Nhật còn bám chặt lấy việc nhận tài sản thế chấp cho các khoản vay, điều mà hầu hết startup không có. Các quan chức Nhật cầu kỳ thì làm khó doanh nhân. Theo nghiên cứu Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản đứng hạng 89 trong bảng xếp hạng mức độ dễ dàng cho việc thành lập doanh nghiệp, tuột sau nhiều nước như Afghanistan và Burkina Faso.
Chính phủ và lĩnh vực tài chính có xu hướng bảo vệ các công ty có sẵn. Nhật Bản có lịch sử dài và đáng buồn về việc nuôi nhiều doanh nghiệp “xác sống” bằng hỗ trợ tài chính liên tiếp và nhiều biện pháp khác, chia bớt nguồn lực khỏi những khoản đầu tư có thể mang lại hiệu quả cao hơn. Hãng nghiên cứu Capital Economics cho hay mức bảo lãnh nợ chính phủ so với kích thước nền kinh tế Nhật Bản cao hơn nhiều so với những nền kinh tế tiên tiến khác.
Tất cả những điều này đồng nghĩa với việc quốc gia Đông Á không trải qua “sự hủy diệt sáng tạo” cần thiết để truyền sự tươi mới vào nền kinh tế. Global Entrepreneurship Monitor cho biết chỉ 3,8% dân số Nhật trong độ tuổi lao động đang bắt đầu doanh nghiệp mới hay vận hành doanh nghiệp không quá 3,5 năm tuổi. Đây là số liệu thuộc hàng thấp nhất trong số các nước được nghiên cứu. Để so sánh, tỷ lệ trên ở Mỹ là 13,8%. Phần đông lao động Nhật công tác trong các công ty.
Thật không may là chẳng như rượu vang, doanh nghiệp không phải càng có tuổi thì càng tốt hơn. Nghiên cứu được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới (OECD) năm 2014 cho hay những công ty mới thành lập tạo ra nhiều việc làm hơn những công ty lâu đời. Capital Economics kết luận hồi tháng 8 rằng “tăng trưởng năng suất của Nhật Bản dường như không đủ mạnh trong những năm tới để thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới”.
Các nhà làm luật nước này có thể bắt đầu sửa chữa vấn đề bằng cách tinh giảm quy định, giúp việc thành lập doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn và mở cửa cho sự cạnh tranh tiến vào các ngành hay được nuông chiều để thúc đẩy doanh nhân. Việc này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp được.
Chuyện đại tu đường xưa lối cũ của Nhật Bản cũng là cách làm tốt. William Saito, doanh nhân Nhật khuyến khích người trẻ nước nhà nối gót mình, cho rằng hệ thống giáo dục bị ám ảnh bởi kiểm tra, thi cử và cạnh tranh khiến người Nhật ít có khả năng hợp tác thuận lợi theo đội nhóm - yếu tố quan trọng trong bất kỳ văn hóa startup năng động nào. Saito cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp Nhật cần đa dạng hơn, không chỉ cần nhiều phụ nữ hơn để thúc đẩy sự đổi mới.
Khoảng cách doanh nhân Nhật Bản gặp vấn đề lớn hơn nhiều. BOJ có thể cố gắng hết sức để kích thích tăng trưởng và lạm phát, nhưng trừ phi giới doanh nghiệp sáng tạo, năng động xuất hiện để nhận tiền mặt rẻ và làm gì đó có lợi từ số tiền trên, các nhà hoạch định chính sách sẽ không bao giờ tái khởi động được nền kinh tế. Bài học là đơn giản: Trước khi bắt tay vào nhiều thí nghiệm lớn trong việc quản lý kinh tế, trước hết hãy làm đúng bài kinh doanh cơ bản.

tin liên quan

Lý do khiến kinh tế Nhật Bản mãi ì ạch
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng hai mảng đối lập giàu - nghèo sâu sắc là một trong những nguyên nhân khiến cường quốc kinh tế Đông Á hầu như không tăng trưởng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.