Kinh tế Hồng Kông chịu rủi ro khủng hoảng tài chính cao nhất

29/09/2017 19:43 GMT+7

Theo hệ thống cảnh báo sớm của Ngân hàng Nomura, Hồng Kông và Trung Quốc lần lượt là hai nền kinh tế có nguy cơ trải qua khủng hoảng tài chính cao nhất.

Bloomberg cho hay nhận định của Ngân hàng Nomura không có nghĩa chắc chắn hai nơi này sẽ có khủng hoảng. Nhà phân tích Rob Subbaraman thuộc Nomura Holdings ở Singapore cho biết: “Đây không phải là cách tiếp cận khoa học thuần túy vốn cho kết quả rất chính xác. Nó không có nghĩa là các chỉ số luôn luôn chính xác, ngay cả trong trường hợp các chỉ số từng chính xác trong quá khứ, nó cũng không hẳn sẽ đưa ra kết quả đúng trong tương lai”.
Ông Subbaraman phát triển hệ thống này cùng nhà phân tích Michael Loo bằng dữ liệu từ đầu thập niên 1990. Kết quả cho thấy các thị trường mới nổi dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro khủng hoảng tài chính hơn là các nước phát triển. Khu vực châu Á (không tính Nhật Bản) là nơi có nguy cơ cao nhất.
Giới phân tích lựa chọn năm chỉ báo đưa ra tín hiệu về một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong 12 quý sắp tới. Đó là: tỷ lệ tín dụng doanh nghiệp và hộ gia đình trên GDP, tỷ lệ trả nợ doanh nghiệp và hộ gia đình, tỷ giá thực, giá bất động sản thực (hoặc sau khi điều chỉnh lạm phát) và giá chứng khoán thực.
Cập nhật mới nhất của hệ thống cảnh báo lên đến 12 quý và bao gồm cả ba tháng đầu năm nay. Mỗi nền kinh tế có thể có tối đa 60 dấu hiệu cảnh báo về khủng hoảng tài chính. Hồng Kông là nơi có nhiều dấu hiệu nhất với 52 dấu hiệu, cao hơn cả mức từng có thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Số dấu hiệu của Trung Quốc hạ từ 41 xuống 40 so với báo cáo trước đó, cảnh báo cho giai đoạn tính đến quý 4/2016.
“Hồng Kông có vẻ như đang trong vùng nguy hiểm”, chuyên gia Subbaraman cho hay. Giới phân tích thuộc Nomura cho rằng việc số lượng dấu hiệu của Đại lục sụt giảm là đáng khích lệ. Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn nằm trong khu vực nguy hiểm và nếu không thêm nỗ lực để hạ “cơn nghiện” tín dụng và bất động sản, rất khó để ngăn chặn xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Số dấu hiệu về khủng hoảng tài chính của các nước khác thấp hơn nhiều so với đặc khu Hồng Kông và Trung Quốc. Tám cái tên tiếp theo trong danh sách chịu rủi ro khủng hoảng cao nhất đều là các thị trường mới nổi, sáu trong top 10 là ở châu Á. Ông Subbaraman mô tả hệ thống cảnh báo sớm là “bài tập khách quan xem xét những dấu hiệu sớm nhất, tốt nhất trong quá khứ và áp dụng chúng vào dữ liệu hiện tại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.