Kinh tế Đà Nẵng không như mong đợi!

29/12/2018 07:37 GMT+7

Từng được kỳ vọng là thành phố mạnh trong khu vực, là “thành phố đáng sống” với nhiều lợi thế, tiềm năng... Tuy nhiên, một vài dấu hiệu gần đây cho thấy Đà Nẵng đang có dấu hiệu chựng lại.

Một Đà Nẵng đang tụt hậu

Trong kỳ họp thứ 9 của HĐND TP.Đà Nẵng được tổ chức giữa tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã góp ý, nhiều mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết T.Ư 33 đặt ra cho Đà Nẵng trong 15 năm qua vẫn chưa thực hiện xong hoặc kết quả thực hiện không như mong đợi. Thực tế, Đà Nẵng trong vai trò liên kết, động lực thúc đẩy cho vùng, song những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của “thành phố đáng sống” này đã có phần suy giảm. Đặc biệt, dư địa phát triển quỹ đất sạch để thu hút đầu tư đã không còn nhiều, thu ngân sách đã giảm so với một số địa phương trước đây còn đứng sau Đà Nẵng rất nhiều.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng yếu tố “chững lại” nằm ở bên trong, đó là trì trệ của công tác cải cách, những dự án mới đâu đó vẫn đang được tiến hành song các thủ tục đánh giá tác động môi trường không thấy đâu. Du lịch là một trong những nguồn thu chính nhưng tràn lan tour không đồng khiến ngành thất thu...
Còn theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, Đà Nẵng không còn có vẻ tụt hậu nữa mà là thật sự tụt hậu nếu so sánh một cách tương đối với các tỉnh thành cạnh tranh trong nước. Trong giai đoạn 2004 -2016, thành phố này được ưu ái lớn nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong phân bổ ngân sách, thể hiện trong việc giữ lại nguồn thu ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, lên đến 32% so với GDP, cao gấp 4 lần so với Bình Dương. Sau 20 năm, Đà Nẵng đã trở thành nơi thu hút được nhiều người đến ở, tốc độ tăng dân số của Đà Nẵng chỉ sau TP.HCM và Bình Dương. TS Huỳnh Thế Du cho rằng, tuy được tăng thu chi ngân sách nhưng Đà Nẵng lại đứng thấp nhất trong nhóm thặng dư ngân sách. Trong 15 năm, GDP bình quân đầu người của Đà Nẵng từ vị trí thứ 4 đã tụt xuống vị trí thứ 10, điều này cho thấy Đà Nẵng đang bị tụt lại.

Tận dụng nội lực từ doanh nghiệp

Cũng theo TS Huỳnh Thế Du, vấn đề của Đà Nẵng do một thời gian dài quá phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất. Ngân sách giai đoạn 2005 - 2010 thu từ đất chiếm đến 40%, nay còn khoảng 10%. Như vậy, ngành được trông chờ lớn nhất hiện tại vẫn là du lịch. Song, nhiều người gắn bó với Đà Nẵng, nghiên cứu về Đà Nẵng đều thừa nhận, ngành dịch vụ du lịch vốn đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế Đà Nẵng đang có dấu hiệu phát triển kém hiệu quả, “xuống sức”.
Du lịch, bất động sản, kinh tế biển là 3 mũi nhọn giúp Đà Nẵng phát triển kinh tế lâu nay. Trong đó, du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói thế mạnh nhất của Đà Nẵng. Theo chuyên gia, vị trí của Đà Nẵng hiện đang khiến địa phương này bất lợi, không liên kết được và không tạo được điểm nhấn hấp dẫn để du khách thay vì chạy về Hội An ngủ, có thể ở lại, chịu chi tiêu ăn uống mua sắm.
Một nhận xét của Chủ tịch Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 9 HĐND vừa qua là địa phương này đang có tâm lý e dè, sợ sai, thấy những vụ việc cũ đang được xử lý nên giờ không dám làm gì nữa. “Nếu nhìn vào những cái sai rồi không dám làm cái đúng là không được. Nếu đúng mà không làm thì thành phố sẽ chững lại, chưa nói tới nguy cơ tụt hậu” - Chủ tịch Quốc hội khuyến cáo TP.Đà Nẵng.
Từ nhận xét này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Đà Nẵng đang thiếu một liều “doping” để tiến về phía trước. Bằng không sẽ sớm đánh mất vị thế trung tâm hấp lực và là vai trò quan trọng trong liên kết vùng khu vực miền Trung. Bà Lan nói, Đà Nẵng thực ra có nhiều cơ hội để đẩy mạnh du lịch, công nghệ cao, logistics, cảng biển... Tuy nhiên, lâu nay địa phương này quá chú trọng bất động sản, nguồn thu quá phụ thuộc vào đất, nay quỹ đất cạn kiệt, nên muốn đẩy mạnh phát triển du lịch cũng lúng túng bởi cứ khai thác nguồn lực có sẵn là chủ yếu.
Liều “doping” theo một số chuyên gia là tận dụng thế mạnh của các nhà đầu tư. Không quá phụ thuộc ngân sách bởi “bầu sữa” từ ngân sách chi để phát triển không còn nhiều như trước. “Tận dụng nội lực từ chính doanh nghiệp cũng rất quan trọng”, bà Lan nhấn mạnh.
Đà Nẵng phải biết tận dụng thế mạnh của các doanh nghiệp lớn đầu tư tại đây, hỗ trợ, đôn đốc để cùng phát triển. Theo bà Lan, du lịch là ngành kinh tế quan trọng nhưng phải có cái mới, song song đó, phải xây dựng dịch vụ logistics, công nghệ cao. “Chính phủ đã khuyến khích thành phố này xây dựng thành công khu công nghệ cao khu vực miền Trung như Hòa Lạc ở phía bắc hay Khu công nghệ cao TP.HCM ở phía nam. Phát triển công nghệ cao cũng là yếu tố kích thích phát triển du lịch. Bởi sẽ có nhiều chuyên gia, nhà đầu tư tìm đến đây làm việc, nghỉ ngơi, theo đó nguồn thu từ du lịch cũng sẽ tăng hơn...”, bà Lan bình luận.
Năm 2017, sau 4 năm liên tục dẫn đầu, Đà Nẵng đã mất “ngôi vương” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), vị trí dẫn đầu thuộc về Quảng Ninh với điểm chênh lệch so với Đà Nẵng là 0,58 điểm. Đặc biệt, chỉ số cạnh tranh hành chính sau 4 năm liên tục đứng đầu cả nước đã tụt xuống vị trí thứ 4, chi phí gia nhập thị trường tụt 2 bậc về vị trí thứ 5, chi phí không chính thức tụt 3 bậc về vị trí thứ 5...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.