Kịch bản chống rớt giá cho nhãn, vải

19/04/2018 06:24 GMT+7

Chịu áp lực lớn từ những cuộc 'giải cứu nông sản' liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây, hôm qua Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị bàn cách tiêu thụ quả vải, nhãn cho mùa vụ năm nay để không lặp lại kịch bản được mùa rớt giá.

Không để Trung Quốc ép giá
Không phải ngẫu nhiên mà ngành nông nghiệp cùng các địa phương sốt sắng trong việc tiêu thụ vải, nhãn trong mùa vụ năm nay. Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), đây là 2 cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 98.300 ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả toàn miền Bắc và tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên và Sơn La.
Cuối năm 2017 và đầu năm nay, thời tiết đặc biệt thuận lợi cho vải, nhãn khiến tỷ lệ đậu quả ở các địa phương đều đạt trên 90%. Mùa vụ năm 2017 tỷ lệ vải thiều tiêu thụ nội địa đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng, khi quả vải vào được nhiều hệ thống phân phối bán lẻ của các DN lớn. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu ngoài Trung Quốc cũng được mở rộng đi nhiều nước khác. Nhưng đối với nhãn, lượng tiêu thụ chủ yếu là thị trường trong nước, nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, dẫn chứng mùa vải năm ngoái, giá vải thiều bán ở Hà Nội cao hơn cả giá xuất đi Trung Quốc, có những thời điểm thương nhân Trung Quốc buộc nhập với giá ngang bằng thị trường trong nước. Theo bà Lan, vải thiều xuất khẩu đi nhiều nước, vào những thị trường khó tính đã khẳng định về chất lượng và giá trị thương hiệu. Nếu mở rộng hệ thống tiêu thụ trong nước, quả vải bán giá cao cũng gây áp lực thương lái Trung Quốc không thể ép giá nông dân.
Nhật thích vải đông lạnh VN
Ông Đinh Cao Khuê, Giám đốc Công ty Đồng Giao, cho rằng mùa vụ năm ngoái DN này xuất khẩu thành công vào thị trường Nhật Bản khoảng 5.000 tấn vải ở hai loại quả tươi và đông lạnh. Đặc biệt, vải đông lạnh tiềm năng vào Nhật Bản còn rất lớn khi người tiêu dùng thích vải Việt hơn Thái Lan. Nếu đầu tư làm vải đông lạnh vào thị trường này sẽ dễ dàng vượt qua các rào cản hơn là xuất quả tươi.
Ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn VN (UCA) lại e ngại vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng. Ở những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, chính quyền địa phương phải hỗ trợ kết nối để thành lập các hợp tác xã để có thể ký hợp đồng bao tiêu, sản xuất theo đơn hàng của DN. Nông dân sản xuất theo từng hộ đơn lẻ thì không cách nào tiêu thụ bền vững khi người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao.
Ông Trần Công Trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thì lưu ý các địa phương về quy định mới của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về giấy phép kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng nhập khẩu áp dụng từ ngày 1.5 tới đây. Ông Trưởng kiến nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cho người dân và DN làm từ trong nước để tiết giảm chi phí. “Khâu đóng gói, bao bì đặc biệt quan trọng khẳng định nguồn gốc sản phẩm của VN, thực tế có tình trạng nông sản không đóng gói nhưng sang bên kia biên giới thương lái Trung Quốc đóng gói theo thương hiệu thì giá tăng gấp 2 lần”, ông Trưởng nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng vải và nhãn đang nổi lên là những cây trồng có giá trị lớn trong rổ hàng hoa quả của ngành nông nghiệp. Thực tế, những loại quả này chứng minh được chất lượng, giá trị khi xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, vấn đề còn lại là khâu kiểm soát sản xuất và tổ chức các kênh tiêu thụ. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, ngoài mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến sâu, các địa phương chủ động khai thác, mở rộng thị trường trong nước, tránh lệ thuộc vào thị trường truyền thống. “Sau hội nghị này, 4 tỉnh trọng điểm trồng vải, nhãn Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngành nông nghiệp và công thương để dựng lên các kịch bản, phương án khác nhau tiêu thụ vải, nhãn trong mùa vụ năm nay, mục tiêu là nâng cao chất lượng và giá bán nông sản”, ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.