Không vay nợ nhưng vẫn bị quấy rối, đe dọa

23/01/2020 08:58 GMT+7

Trong năm Kỷ Hợi 2019, ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất vẫn là tài chính , bảo hiểm và ngân hàng.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), trong năm 2019, tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng của cơ quan này đã ghi nhận có 9.295 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên đã tiếp nhận và trả lời 5.186 cuộc gọi. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng qua các phương thức như: email, bưu điện và gửi trực tiếp (trong đó 80% đơn khiếu nại được gửi qua phương thức email). 
Nhóm ngành hàng bị khiếu nại nhiều nhất là “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng”, chiếm 41% tổng số các vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Sau đó là nhóm “Điện thoại, viễn thông” chiếm 19% và nhóm “Đồ điện tử gia dụng” chiếm 7%.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên trong giai đoạn cả năm, nhóm hàng “Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng” có tỷ lệ khiếu nại lớn hơn nhiều lần so với các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại. Trong nhóm này bao gồm các ngân hàng, công ty tài chính và bắt đầu xuất hiện sự liên quan của nhiều mô hình tư vấn cho vay trực tuyến (hay còn gọi là cho vay ngang hàng - P2P lending). Các mô hình này hiện có sự phát triển mở rộng và gia tăng nhanh chóng cả về số lượng khách hàng và giá trị giải ngân, do vậy, kéo theo xu hướng gia tăng khiếu nại trong nhóm dịch vụ này.
Thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh về các vụ khiếu nại điển hình trong năm qua có vụ mua trả góp bộ mỹ phẩm chăm sóc da mặt. Cụ thể, một số lượng lớn người tiêu dùng khiếu nại về việc được mời đến cơ sở chăm sóc sắc đẹp để trải nghiệm dịch vụ và mua trả góp bộ mỹ phẩm có giá trị lớn. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi trả sản phẩm thì không được doanh nghiệp giải quyết.
Kế tiếp là việc nhiều người dùng khiếu nại việc mua hàng trên sàn thương mại điện tử nhưng khi nhận hàng thì sản phẩm không đúng như nội dung quảng cáo. Khi liên hệ, người tiêu dùng được sàn giải thích giao dịch này nằm ngoài hệ thống nên không được hưởng chính sách trả hàng - hoàn tiền. Người tiêu dùng rất bức xúc do trước đó đã có người liên hệ nói đúng tên, địa chỉ, số điện thoại, sản phẩm để thông báo giao hàng. Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành làm việc với các công ty liên quan và nhận thấy các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo từ nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể, sau khi tiếp nhận đơn hàng, nhà bán hàng sẽ tự ý hủy đơn hàng, sau đó tự liên hệ với người tiêu dùng để giao một sản phẩm khác. Trong những trường hợp trên, mã đơn hàng giao đến người tiêu dùng không giống với mã đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển cũng không phải đơn vị vân chuyển liên kết của sàn…
Đặc biệt nhiều người tiêu dùng khiếu nại không đi vay nợ nhưng liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin để quấy rối, đe dọa, ép buộc trả nợ. Mặc dù người tiêu dùng đã nhiều lần thông báo về việc không liên quan đến khoản nợ của doanh nghiệp. Một số vụ việc, đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin liên hệ của người tiêu dùng, của người thân để đăng tải công khai trên các mạng xã hội với nội dung xuyên tạc, bịa đặt nhằm gây áp lực trả nợ cho người tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.