Không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi kém, nợ nhiều

29/11/2014 04:55 GMT+7

Mặc dù được tái cơ cấu rốt ráo, hỗ trợ ưu ái đủ kiểu nhưng hầu hết các “ông lớn” là tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn kinh doanh hết sức lẹt đẹt. Nhiều đơn vị rơi vào thua lỗ, nợ khó đòi tăng cao, mất cả vốn chủ sở hữu nhà nước cấp.

EVN còn nhiều việc phải làm để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện
EVN còn nhiều việc phải làm để hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện - Ảnh: Ngọc Thắng

Dầu khí, than: Nhất bảng nợ khó đòi

Tình trạng làm ăn hết sức đáng lo của các “quả đấm thép” trên được Bộ Tài chính nêu rõ trong báo cáo vừa mới gửi Quốc hội. Nhìn tổng thể, khu vực doanh nghiệp (DN) do nhà nước còn nắm giữ 100% vốn điều lệ và có cổ phần vốn góp chi phối số lượng sau tái cơ cấu, sắp xếp lại chỉ còn khoảng 796 nhưng vẫn đang áp đảo thành phần kinh tế khác về quy mô, vốn chủ sở hữu, và nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Cụ thể, tính đến hết năm 2013 tổng tài sản của các DN này hơn 2,87 triệu tỉ đồng tăng 12% so với năm 2012; vốn chủ sở hữu gần 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2012.

 

Nợ nước ngoài hơn 520.000 tỉ đồng

Theo báo cáo hợp nhất, các TĐ, TCT và các công ty mẹ đang nợ nước ngoài khoảng 520.000 tỉ đồng. Trong đó riêng các TĐ, TCT vay ngắn hạn 36.150 tỉ đồng và vay dài hạn gần 290.000 tỉ đồng; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh khoảng 122.500 tỉ đồng. Số còn lại tự đi vay, tự trả. Trong số này, chỉ riêng công ty mẹ - TĐ điện lực vay nợ nước ngoài lên tới gần 115.000 tỉ đồng, công ty mẹ - TKV hơn 17.600 tỉ đồng; công ty mẹ - TCT hàng không (Vietnam Airlines) hơn 29.000 tỉ đồng; công ty mẹ - PVN hơn 17.000 tỉ đồng.

Dù tổng tài sản, vốn chủ sở hữu có tăng nhưng tổng doanh thu gần như “giậm chân tại chỗ” khi chỉ tăng có 1% so với 2012 và đóng góp của khối DN nhà nước chủ yếu đến từ các “ông lớn” có lợi thế khai thác tài nguyên như dầu khí, than hay dựa vào độc quyền, chiếm lĩnh thị trường như điện, viễn thông. Tính riêng 8 tập đoàn (TĐ) lớn, doanh thu gần 900.000 tỉ đồng, chiếm 58% tổng doanh thu của các DN nhà nước. Trong khi đó, hơn 100 tổng công ty (TCT) doanh thu giảm 1% so với năm 2012; năm 2013, khối 25 công ty mẹ - con doanh thu chỉ đạt gần 58.000 tỉ đồng, giảm tới 46% so với năm trước.

Không chỉ được ưu ái về tài nguyên, cơ chế… các DN nhà nước được hỗ trợ rất lớn về nguồn vốn để hoạt động, trong đó chủ yếu được “bơm” thông qua các ngân hàng. Bộ Tài chính đánh giá, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐ, TCT tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do khả năng hấp thụ vốn của DN thấp nên phải đối mặt với nhiều rủi ro như chi phí tài chính và chi phí lãi vay tăng cao (hầu hết hoạt động đầu tư đều dựa trên vốn vay). Hậu quả, năm 2013 một số DN làm ăn thua lỗ, đơn cử: TĐ cao su, doanh thu giảm 28%, lợi nhuận giảm 46% so với năm 2012; tương tự TCT lắp máy doanh thu giảm 68%, lợi nhuận giảm 60%; TCT xây dựng Bạch Đằng lợi nhuận giảm 68%...

Đặc biệt, một số công ty mẹ lỗ phát sinh năm 2013, lỗ lũy kế tăng cao như TCT hàng hải gần 7.000 tỉ đồng; TCT lương thực miền Nam hơn 218 tỉ đồng, TCT xây dựng công trình giao thông 8 gần 60 tỉ đồng...

Trong khi đó, tổng nợ phải trả của các TĐ, TCT gần 300.000 tỉ đồng, tăng 1,6% so với năm 2012. Trong đó, nợ phải thu khó đòi (các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng đòi lại) hơn 10.000 tỉ đồng, tăng 15,8% so với năm trước. Một số “ông lớn” rơi vào tình cảnh này như TĐ dầu khí (PVN) đứng đầu bảng với hơn 2.800 tỉ đồng; xếp thứ hai là TĐ công nghiệp than khoáng sản (TKV) 890 tỉ đồng; tiếp đến là TCT cảng hàng không 678 tỉ đồng; TCT lương thực miền Bắc 430 tỉ đồng; TCT hàng hải 417 tỉ đồng; TCT đường sắt 307 tỉ đồng; Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) 287 tỉ đồng...

Một số công ty hoạt động theo mô hình “mẹ - con” cũng rơi vào tình trạng hết sức nghiêm trọng khi nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu ở mức rất cao. Cụ thể, công ty mẹ - TCT công nghiệp ô tô VN (nợ phải thu khó đòi là 11 tỉ đồng, chiếm 59%); công ty mẹ - TCT chè VN (nợ phải thu khó đòi gần 30 tỉ đồng, chiếm 59%)...

Càng ưu đãi, độc quyền thì càng yếu kém

Để dẫn đến tình trạng trên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù việc thực hiện lộ trình sắp xếp, cổ phần hóa, tái cơ cấu DN nhà nước trọng tâm là các TĐ, TCT nhưng tiến trình này được thực hiện quá chậm so với kế hoạch đặt ra. Cùng với đó, việc tồn tại tình trạng độc quyền (chiếm thị phần lớn) trong một số lĩnh vực làm cho DN nhà nước không chịu được sức ép cạnh tranh dẫn đến sức ì lớn, thiếu tính chủ động trong đổi mới sản xuất kinh doanh và tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhiều lĩnh vực quan trọng do DN nhà nước giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, như: Cung cấp điện cho sản xuất và tiêu dùng; tham gia điều tiết thị trường chưa hiệu quả.

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, câu chuyện này đã được mổ xẻ, nói đi nói lại nhiều lần nhưng điều đáng lo ở chỗ, mặc dù được tiến hành tái cơ cấu, cải tổ nhưng vẫn “giậm chân tại chỗ”, chưa có gì thay đổi; các TĐ, TCT không thay đổi căn bản được mô hình quản trị, chưa tách bạch được quyền của chủ sở hữu và đại diện vốn sở hữu nhà nước tại các DN này...

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, các DN nhà nước lâu nay vẫn chưa thể hoạt động theo cơ chế “lời ăn, lỗ chịu”. Ông Cung đề nghị, thời gian tới phải áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với DN nhà nước, buộc phải cạnh tranh công bằng, bình đẳng như các DN khác và đối mặt cùng với điều kiện thị trường. Cuối cùng, phải đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành mới mong trị được căn bệnh kinh niên này.

Thua lỗ là do quản trị

Tổng quát chung thì hiệu quả sử dụng vốn, tăng trưởng quy mô vốn sở hữu... ở mức 14 -15% trong năm 2013 của các TĐ, TCT theo báo cáo của Chính phủ là khá. Nhưng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng thì một số DN hết sức khó khăn. Tỷ suất lợi nhuận/vốn rất thấp, có DN chỉ vài ba phần trăm; lợi nhuận không có và tăng trưởng âm, nghĩa là thua lỗ.

Theo tôi, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thua lỗ ở một số TĐ, TCT nhà nước năm 2013 là do quản trị DN. Quản trị điều hành các DN đó có vấn đề, chất lượng kém và dồn tích từ những năm trước. Những vấn đề tồn tại đặt ra trong hoạt động của DN nhà nước là tương đối rõ. Tựu chung lại sức khỏe DNNN kém, sức cạnh tranh sản phẩm cung ứng ra thị trường còn ở mức thấp. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Ngay tại kỳ họp trước và kỳ họp này QH đã xem xét và thông qua nhiều dự án luật, không chỉ có luật Quản lý vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mà cả luật DN, luật Đầu tư... đều tác động tới DNNN để khắc phục tồn tại hạn chế thực tiễn đang đặt lên, hoàn thiện thể chế bằng một loạt luật đã và sẽ thông qua tại kỳ họp tới sẽ tạo thành khung pháp lý đồng bộ hơn, đây là điều kiện để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của DNNN.

Ông Bùi Đức Thụ (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH)

Hà Nguyễn (ghi)

Anh Vũ

>> Tập đoàn Dầu khí đứng đầu bảng về nợ phải thu khó đòi
>> Đề xuất kiểm toán Tập đoàn điện lực, Tập đoàn dầu khí và 28 tổng công ty lớn
>> Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm của tập đoàn cao su
>> Tập đoàn cao su VN gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
>> Thanh tra Chính phủ đề nghị điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp cao su

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.