Không đường sá nào chịu nổi tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân hiện nay

Mai Hà
Mai Hà
24/12/2020 16:07 GMT+7

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong vòng 5 năm tới, với tốc độ gia tăng xe cá nhân như hiện nay, sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ GTVT sáng nay, 24.12, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý những khó khăn thách thức của các dự án công trình khởi công mới. Đặc biệt, các dự án vốn ngân sách nhà nước, đầu tư vốn PPP giai đoạn 2016 - 2020 rất ít so với yêu cầu, không đạt mục tiêu đề ra.
Nhiều dự án đặc biệt quan trọng bị chậm tiến độ như dự án liên vùng, đường sắt đô thị; vận tải hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu do đường bộ còn thấp, chi phí lớn và tăng logicstics, đầu tư chưa quan tâm đến đường thủy, đường sắt, năng lực nhiều cảng còn hạn chế; hạ tầng hàng không được nâng cấp mở rộng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu giao thông kết nối liên vùng, đô thị lớn với vùng kinh tế, sân bay và cảng biển.
Cho rằng năng lực hạ tầng đô thị chưa theo kịp phát triển phương tiện, theo Phó thủ tướng, trong vòng 5 năm nữa, với tốc độ gia tăng xe cá nhân sẽ không thể nào hạn chế được ùn tắc giao thông. Các đô thị lớn càng xây dựng hạ tầng đường sá thì càng ùn tắc bởi hấp dẫn người dân đổ về, như Hà Nội và TP.HCM mỗi năm tăng 200.000 người dân. Vì vậy, không hạ tầng nào có thể đáp ứng nổi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân dẫn đến ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Cũng theo Phó thủ tướng, giai đoạn 2021 - 2025 cần có thêm 3.000 km đường cao tốc để tới năm 2025 có tổng số 5.000 km. Nếu đầu tư 3.000 km cao tốc sẽ cần 600.000 tỉ đồng, chưa tính vốn đầu tư cho các lĩnh vực khác như đường sắt đô thị...
“Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn rất khó khăn bởi hoàn thiện pháp luật PPP mới cởi mở và tháo gỡ khó khăn để người đầu tư cảm thấy an toàn, tính hiệu quả của dự án. Ngân hàng không vào cuộc nên dự án BOT thất bại và không thể thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ giao thông theo chiến lược do không thể huy động được nguồn vốn từ bên ngoài,” Phó thủ tướng nói.
Về nhiệm vụ, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương tập trung hoàn thành các quy hoạch giao thông; tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm đã có nguồn vốn bố trí... Trong đó, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ vướng mắc để đưa dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đưa vào khai thác vận hành bởi càng chậm sẽ kém hiệu quả, đó là thất thoát vô hình...
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, riêng trong năm 2020, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 công trình dự án mới.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã hoàn thiện thủ tục và triển khai khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được chuyển sang hình thức đầu tư công đồng thời đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP do không lựa chọn được nhà đầu tư (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.