Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận

Chí Hiếu
Chí Hiếu
16/11/2019 07:54 GMT+7

'Không thể để chúng ta trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn', Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Chiều 15.11, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chủ trì buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công thương, Bộ Tài chính về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước đang diễn ra, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Do đó, việc cấp C/O phải bảo đảm thuận lợi cho DN song cũng không để lợi dụng việc cấp C/O nhằm gian lận thương mại, gian lận xuất xứ. “Không thể để chúng ta trở thành điểm trung chuyển hàng hóa gian lận. Nếu không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, thời gian qua, Bộ Công thương và VCCI (2 đơn vị cấp C/O) đã hết sức tạo thuận lợi cho DN, nhưng trong bối cảnh mới, cần xem xét lại nhiều vấn đề như cấp C/O gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn thế nào, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các DN xin cấp C/O...
“VCCI có bảo đảm việc tiến hành kiểm tra thực tế nơi sản xuất về nhà máy, nhân lực, đầu vào nguyên liệu khi cấp C/O không, hay chỉ kiểm tra hồ sơ”, ông Dũng đặt vấn đề và nhấn mạnh: "Thông điệp của Chính phủ, của Thủ tướng là chỉ đạo quyết liệt và có các giải pháp cứng rắn, hiệu quả nhằm ngăn chặn việc giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để và không có ngoại lệ với các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính".
Theo VCCI, số liệu cấp C/O không phản ánh đầy đủ tình hình xuất khẩu thực tế của DN, do nhiều lô hàng xuất khẩu không đề nghị cấp C/O. Chẳng hạn, 9 tháng năm 2019, số lượng DN được cấp C/O cho hàng hóa sang Mỹ tăng khoảng 17,9% so với cả năm 2018, nhưng trị giá xuất khẩu của các hồ sơ cấp C/O mẫu B chỉ chiếm khoảng 15,5% so với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Cụ thể, VCCI cấp C/O cho 2.396 DN với trị giá xuất khẩu 6,9 tỉ USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ là 44,6 tỉ USD, theo số liệu của ngành hải quan.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tỷ lệ C/O bị hải quan các nước yêu cầu xác minh xuất xứ trong tổng số C/O ưu đãi được cấp là rất nhỏ. Kết quả xác minh cũng cho thấy, các lô hàng được cấp C/O VN đều đáp ứng các điều kiện được cấp C/O.
Tuy vậy, có tình trạng DN làm giả C/O để gian lận xuất xứ. Các mặt hàng chủ yếu là một số loại hạt, tấm gỗ ghép... thì Bộ Công thương đã ngay lập tức có cảnh báo tới các cơ quan, tổ chức cấp C/O để đặc biệt lưu ý trong việc tăng cường kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cơ sở sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.