Không dễ phân biệt đá quý, kim cương

19/01/2011 23:01 GMT+7

Kim cương, đá quý ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng nhiều. Tuy nhiên, tình trạng vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt khiến người tiêu dùng hoang mang.

Phân biệt thủ công     

Ông Hoàng Chương - Trưởng bộ phận giám định đá quý Ngân hàng TMCP Á Châu cho biết, kim cương được đánh giá theo 4 tiêu chuẩn: cân nặng, màu sắc, độ tinh khiết, mài cắt. Cân nặng viên kim cương sẽ biết được kích thước của nó. Ví dụ: một viên kim cương 0,5 carat tức 5,2mm. Mỗi viên kim cương có độ tinh khiết khác nhau, đây là đặc điểm của từng viên.

Một cách cơ bản để tự nhận biết là để viên kim cương lên một tờ giấy trắng có viết chữ, bằng mắt sẽ không nhìn được chữ. Để đánh giá một viên kim cương, đá quý tốt nhất người tiêu dùng nên đem đến phòng giám định có uy tín, trang bị các máy móc thiết bị hiện đại vì chỉ cần sai số nhỏ là người tiêu dùng đã phải chịu thiệt lớn về tài chính.

Một chuyên gia có thâm niên trên 30 năm trong ngành tư vấn đá quý tiết lộ cách để nhận biết kim cương tự nhiên và nhân tạo. Ví dụ như thử bằng nước. Bỏ viên kim cương vào một ly nước trong để xem độ sáng. Nếu sáng là kim cương thật, còn mờ là nhân tạo. Hay thử bằng acid, nhúng kim cương vào acid, kim cương thật không mờ. Một cách khác là lấy 1 tờ giấy trắng vẽ lên 3 vạch màu xanh, đỏ, vàng và để viên kim cương lên quan sát, kim cương thật sẽ làm nhòe các vạch màu, còn nhân tạo thì thấy rõ vạch màu.

Kiểm định cũng chưa chắc       

Theo ông Lê Hữu Hạnh - Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), người tiêu dùng mua đá quý, kim cương có giấy giám định thường sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, giấy kiểm định do các đơn vị cung cấp khác nhau thì quy định về chất lượng khác nhau. Người tiêu dùng “sính ngoại” rất dễ bị móc túi vì điều này.

Đối với kim cương được dựa vào tiêu chuẩn GIA hay IGI. Tiêu chuẩn của IGI dưới cấp GIA nên những viên kim cương giám định theo IGI rẻ hơn GIA từ 10 - 20%. Tuy nhiên, người tiêu dùng hay có tâm lý cho rằng GIA là tiêu chuẩn tốt nhất nên đua nhau đi kiểm định theo tiêu chuẩn này nên bị mất thêm một khoản không cần thiết. Thậm chí, ngay cả tiêu chuẩn của GIA được ban hành bởi Viện Ngọc học của Mỹ chất lượng không giống nhau. Nguyên nhân là do trước đây phòng giám định này được đặt ở Mỹ nhưng sau này thị trường kim cương phát triển ở Ấn Độ, Thái Lan, Hồng Kông nên các phòng giám định được thành lập tại các nơi này. Nhân sự là những người địa phương nên chất lượng giám định kim cương không giống nhau. Có đến 20 - 30% giấy giám định kim cương của GIA có chất lượng không đúng tiêu chuẩn. Do đó, dù có giấy kiểm định đi kèm nhưng khi vào Việt Nam các viên kim cương cũng được kiểm định lại chất lượng. Đó là lý do, một viên kim cương có thể có tới 2 giấy giám định.

Theo truyền thống, giác cắt của kim cương là 57 nhưng nhiều người muốn giác cắt lên 68 (lộc phát), 105... Một viên kim cương càng nhiều giác cắt càng dễ bị trầy xước, khi bán lại lỗ rất nhiều vì thợ phải mài lại nên mòn. Đó cũng là một trong các kinh nghiệm mà người mua kim cương nên biết để không bị lừa bởi "giác số đẹp".

Đối với đá quý, người tiêu dùng nên xem kỹ giấy giám định là đá tự nhiên hay nhân tạo. Ở một số giấy giám định nếu có thêm chữ synthetic thì đó là đá nhân tạo. Đối với đá quý đóng vỉ, nhiều trường hợp dòng chữ này rất nhỏ bởi giá trị giữa đá thiên nhiên và nhân tạo chênh lệch nhau rất nhiều.

Áp dụng cả phương pháp thủ công, kỹ thuật là điều cần thiết nhưng thị trường kim cương, đá quý nói theo nhiều người trong ngành, yếu tố quan trọng nữa là đạo đức, uy tín của người bán, nơi bán. Đây cũng là kinh nghiệm cho người tiêu dùng, chọn cơ sở uy tín để mua những loại đá quý có giá trị lớn. 

Tiềm năng đá quý Việt Nam chưa khai thác tốt

Ngoài Myanmar, Việt Nam có trữ lượng đá quý lớn như mỏ đá ruby ở Lục Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận; mỏ đá phong thủy ở Đắk Nông, Gia Lai...

Đặc biệt, ruby sao của Việt Nam được đánh giá có đẳng cấp hạng nhất. Tiềm năng đá quý còn nhiều nhưng chưa được khai thác tốt nên trong nước không có nguồn thô cung cấp cho cắt mài. Trước năm 2005, nhiều cơ sở cắt mài đá hoạt động nhưng sau này thì không còn nhiều, các thợ cắt mài chuyển sang làm các công việc khác. Thị trường đá quý trong nước tiêu thụ khá tốt, mỗi năm ước khoảng vài ngàn tỉ đồng nhưng do nguồn cung cấp ít nên đa số là nhập khẩu.

Việc phân biệt các viên đá tự nhiên, đá nhân tạo hay đá tự nhiên có xử lý đối với người tiêu dùng là chuyện không thể, do vậy cần đưa đi giám định để biết rõ chất lượng.

(Đỗ Minh Phú - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam)

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.